Nhóm công trình hiện hữu cần được quan tâm khi cải tạo, sửa chữa thành công trình xanh

(Xây dựng) – Để chuyển đổi xanh ngành Xây dựng góp phần vào chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì một trong các nhiệm vụ chủ yếu của Ngành là phát triển nhiều công trình xanh (CTX). Trong những năm vừa qua, việc phát triển CTX chủ yếu là ở nhóm các công trình xây mới. Tuy nhiên, hàng triệu công trình hiện hữu với hàng chục triệu mét vuông sàn, hàng năm tiến hành cải tạo sửa chữa khá lớn, nếu huy động được các công trình hiện hữu này tham gia tuân thủ các tiêu chí xanh thì mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là vô cùng to lớn. Về nội dung này, Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi trao đổi với PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Đô thị xanh.

Nhóm công trình hiện hữu cần được quan tâm khi cải tạo, sửa chữa thành công trình xanh
PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên – Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Đô thị xanh.

PV: Ông có thể cho biết những năm gần đây việc đánh giá CTX ở nhóm công trình xây mới, công trình hiện hữu hoặc nhà ở riêng lẻ thì nhóm công trình nào chiếm tỷ trọng lớn nhất, lý do vì sao?

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Hiện nay, công trình xây mới đang chiếm tỷ trọng nhiều nhất. Bởi vì nó thuận lợi hơn và nó có chính sách, hướng dẫn rõ ràng. Hai nhóm còn lại (công trình hiện hữu và nhà ở riêng lẻ) có tiềm năng lớn, nhưng khi thực hiện có những thách thức khó khăn nhất định như: Chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí, chưa có ưu đãi về mặt chính sách và nhận thức của chủ đầu tư, người dân. Nếu như hai nhóm này không có những chính sách, hướng dẫn cụ thể của Nhà nước thì rất khó có thể để cho các chủ đầu tư, chủ nhà ở riêng lẻ thực hiện theo.

Về mặt tương lai lâu dài, nhóm công trình hiện hữu, nhà riêng lẻ rất có tiềm năng. Vì đến một thời điểm nào đó, công trình xây mới sẽ chững lại. Khi đó, người ta sẽ quay lại tìm về những công trình đã được xây dựng, đang tồn tại và tìm cách cải tạo, tối ưu hóa nó.

Các công trình hiện hữu là những công trình được xây dựng trong một thời gian dài, bùng nổ sau mở cửa và sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, quỹ công trình hiện hữu này rất lớn. Và những tòa nhà cũ này xây dựng dựa trên công nghệ cũ, vật liệu và thiết bị không đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm nước, kém thân thiện môi trường) nên sẽ là nguồn lãng phí về sử dụng năng lượng.

PV: Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cho đến nay Việt Nam mới phát triển và công nhận được khoảng 300 CTX, trong đó chủ yếu là công trình xây mới, như ông đã nói nhóm công trình hiện hữu với số lượng lớn cũng rất cần được quan tâm để cải tạo, sửa chữa thành CTX. Vậy theo ông, việc đánh giá công trình hiện hữu và xây mới theo tiêu chí CTX có gì khác nhau?

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Công trình hiện hữu và công trình xây mới có nhiều điểm tương đồng, vì nó dựa trên các tiêu chí như tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, sức khỏe, tiện nghi của người sử dụng… Cả hai dạng công trình đều phải tuân thủ theo các yêu cầu nằm trong bộ tiêu chí đánh giá. Tuy nhiên, nhóm công trình hiện hữu có nhiều thách thức hơn. Vì nó phải xem đến thực trạng của công trình hiện hữu. Ví dụ như: Các công trình hiện hữu thường được xây dựng ở các thời điểm khác nhau trong giai đoạn trước và phụ thuộc vào kỹ thuật xây dựng, mức độ đầu tư từng giai đoạn. Chính vì vậy mà tình trạng của các công trình hiện hữu cũng rất khác biệt. Với công trình hiện hữu để thực hiện được việc đánh giá khi cải tạo nó hướng đến CTX là một thách thức lớn, khó hơn so với các CTX mới.

Song nhóm đó lại rất tiềm năng, bởi vì trong cả một giai đoạn quá trình phát triển (nhất là sau khi mở cửa), Việt Nam phát triển mạnh với nhiều công trình xây dựng, nhiều đô thị, nhiều thành phố phát triển… Quỹ công trình xây dựng lớn nhưng ở thời điểm đó nhận thức về CTX, công trình bền vững còn chưa nhiều và chưa có các tiêu chí để định lượng, vậy nên số lượng rất nhiều. Trong quá trình sử dụng và vận hành nó, chắc chắn sẽ phải tiến hành cải tạo, sửa chữa, nhóm này tạo ra một khối lượng công việc rất lớn mà ngành Xây dựng sẽ phải làm trong thời gian tới.

PV: Ông có đề xuất gì để tương lai có nhiều CTX được công nhận từ nhóm các công trình hiện hữu?

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên: Đầu tiên phải có những tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến dạng công trình này. Khi cải tạo cần đưa ra được bộ tiêu chí cải tạo gắn với tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành. Chính vì vậy, khi cải tạo các chủ đầu tư phải tuân thủ. Ví dụ như Quy chuẩn 2017 (QCVN 09:2017/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” – Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên thuộc các loại hoặc hỗn hợp các loại công trình như: Văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại – dịch vụ, chung cư (Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD thay thế QCVN 09:2013/BXD). Quy chuẩn 09:2017/BXD giống như một thước đo khiến cho chủ đầu tư phải cân nhắc khi sử dụng các giải pháp thiết kế và các vật liệu áp dụng trong công trình. Đấy cũng là một thành công của quản lý.

Thứ hai, các giải pháp về mặt tài chính: Bộ Xây dựng phối hợp với các ngân hàng để hướng đến giải quyết khó khăn cho các dự án Tài chính xanh. Đây cũng là cái để họ có định hướng kế hoạch cải tạo. Khi mà họ quy hoạch cải tạo, các nguồn vốn như là nguồn vay… động viên họ. Tài chính là yếu tố then chốt, nó kích hoạt, tác động trực tiếp đến túi tiền của nhà phát triển, chủ đầu tư, chủ sở hữu khi cải tạo. Khiến người ta quan tâm đến giải pháp khi cải tạo các công trình hiện hữu theo hướng xanh, bền vững.

Thứ ba, yếu tố mang tính khuyến khích, liên quan đến các chính sách về mặt quản lý xây dựng của Bộ Xây dựng hoặc các đơn vị quản lý: Ưu đãi từ thuế, mật độ xây dựng, diện tích sàn, diện tích vận hành… Như vậy, sẽ động viên được các chủ đầu tư khi cải tạo các công trình hiện hữu theo hướng xanh, bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích