“Nhồi cao ốc, băm quy hoạch”, cứ rút kinh nghiệm là xong?

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa công bố kết luận về hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng trong quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (Hà Nội). Được đánh giá là huyết mạch giao thông cho trục phía Tây Nam Thủ đô, nhưng tuyến đường này lại gây bức xúc lớn trong dư luận vì mật độ cao ốc dày đặc và tắc nghẽn, quy hoạch đô thị cục bộ gần như bị “xé nát”.

Ở trục đường này, sau khi di dời một số cơ quan, việc xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị không được ưu tiên theo quyết định của Thủ tướng, thay vào đó là đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 cũng chỉ cập nhật, ghép cơ học các tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được chấp thuận; một số công trình đã xây dựng hoàn thành trên thực tế mà không nghiên cứu sự phù hợp, đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Theo cơ quan thanh tra, Sở Quy hoạch – Kiến trúc là đơn vị được giao làm chủ đầu tư lập đồ án và là cơ quan thẩm định; tư vấn lập đồ án là Trung tâm phát triển vùng SENA, còn UBND TP Hà Nội là cơ quan phê duyệt. Nghe qua thì có vẻ nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công rõ ràng với sự tham gia của nhiều cấp, có cả đơn vị tư vấn độc lập, song không hiểu vì sao người ta lại có thể “sáng tạo” và thông qua được một quy hoạch như vậy!

nhoi cao oc bam quy hoach cu rut kinh nghiem la xong
Cao ốc mọc lên san sát dọc tuyến đường Lê Văn Lương, có dự án được liên tục điều chỉnh từ 6 thành 39 tầng (Ảnh: Trần Kháng).

Cũng theo đánh giá tại kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng…

Những vi phạm đó rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân trong khu vực và bộ mặt đô thị.

Tôi còn nhớ, khoảng năm 2014, lúc đó gia đình tôi sống ở khu đô thị Xa La và thường chọn đi làm từ nhà vào nội thành qua trục Lê Văn Lương – Tố Hữu. Trong ấn tượng của tôi hồi bấy giờ, tuyến đường này mới làm xong và hãy còn rất rộng, hai bên là những cánh đồng hun hút. Chỉ sau vài năm, cao ốc mọc lên dày đặc và cảnh ùn tắc xảy ra triền miên. Với tôi lúc đó, việc dành tới hơn 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để di chuyển giữa nhà và tòa soạn là sự lãng phí thời gian khủng khiếp. Cho đến khi không thể chịu đựng được sự ngột ngạt, nhất là có những thời điểm Hà Nội bị tấn công bởi bụi mịn, tôi quyết định rời Thủ đô.

Có lẽ không nhiều người đưa ra quyết định như tôi. Phần lớn người dân nhập cư vào Hà Nội để sống, học tập và làm việc, họ buộc phải chấp nhận sống chung với điều kiện bất tiện về giao thông, cam chịu sự đông đúc và ô nhiễm.

Không cần phải có trình độ cao về quy hoạch đô thị, một người dân bình thường cũng có thể nhìn thấy rõ bất cập khi để xảy ra tình trạng “nhồi” cao ốc, “ăn bớt” diện tích trồng cây xanh, cho công trình hỗn hợp tràn lan xây dựng hai bên trục đường lớn. Vậy lý do vì sao mà các cơ quan quản lý với đầy đủ ban bệ tham mưu với những nhân sự có trình độ mà vẫn phê duyệt, thông qua, để rồi “băm nát” quy hoạch?

Than ôi, có những sự việc chẳng cần tư duy quá nhiều, nhìn thôi ai cũng biết rồi mà sao những người cần biết thì lại không thấy và không biết nhỉ!

Điều công chúng quan tâm là những ai đã tham mưu, đã phê duyệt, ký các quyết định điều chỉnh quy hoạch? Vai trò của cơ quan giám sát ở đâu? Liệu có vấn đề gì ẩn khuất phía sau hay không? Có hay không tình trạng làm ngơ cho sai phạm diễn ra hay vấn đề lợi ích nhóm? Tất cả những câu hỏi đó cần phải làm rõ và trả lời sòng phẳng trước công luận.

Mới đây, khi trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói rằng, cơ quan này “rút kinh nghiệm và giao các phòng rà soát”. Tuy nhiên, việc rà soát còn có tác dụng gì khi Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận chi tiết?

Có thể sẽ có những ý kiến cho rằng, các sai phạm đó thuộc về nhiệm kỳ trước và lãnh đạo đương nhiệm sẽ không thể nắm hết được vấn đề. Xin thưa, ngay cả với trường hợp đó, chúng tôi cho rằng cần “hồi tố” và truy xét trách nhiệm rõ ràng. Đây là vấn đề không thể chỉ đóng cửa bảo nhau “rút kinh nghiệm”!

Ngoài trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, thiết nghĩ, Bộ Xây dựng cần xem xét lại còn có những khu vực nào đang cho phép cao ốc mọc lên dày đặc nữa hay không? Theo báo chí phản ánh, tuyến đường vành đai 3 cũng đang xuất hiện tình trạng tương tự. Trong bối cảnh phát triển đô thị, tăng dân số, nhu cầu nhà ở ngày càng lớn, nguy cơ về tình trạng “nhồi cao ốc”, cấp phép xây dựng tràn lan ở các đô thị là hiện hữu.

Thế nên, một khi vi phạm đã quá rõ ràng và nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận mà vẫn không quy được trách nhiệm cá nhân cụ thể thì e rằng, sẽ còn có rất nhiều những câu giải trình chung chung, “xin rút kinh nghiệm”. Chủ đầu tư cứ mặc nhiên xây, lãnh đạo mặc nhiên ký còn bao nhiêu rủi ro, bất ổn thì người dân phải chịu, “sống chết mặc bay”?.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích