Nhịp sống Rạch Giá
(Xây dựng) -Chiếc xe đò từ thành phố mang tên Bác trực chỉ hướng Tây Nam, đưa tôi về lại mảnh đất Kiên Giang tận cùng của Tổ quốc.
Rạch Giá – thành phố biển tôi yêu như vừa quen, vừa lạ. Phố xá đông vui, nhộn nhịp hơn, những mái nhà cũ, cấp bốn năm xưa nay không còn nữa, thay vào đó là những biệt thự, nhà cao tầng san sát. Hệ thống giao thông đô thị phát triển chóng mặt. Đến Rạch Giá không thể không nhắc đến khu đô thị lấn biển với 5 khu vực đầu tư tổng diện tích 420 ha, trong đó 360 ha lấn biển, 60 ha cải tạo hiện trạng. Diện mạo đô thị mới được hình thành hết sức năng động trong thời kỳ đổi mới, là đô thị có kết cấu hạ tầng bậc nhất ĐBSCL, góp phần đưa Rạch Giá trở thành vùng đất sầm uất, năng động, chất lượng, đời sống của người dân ngày càng sung túc hơn, là điểm du lịch lý tưởng trong khu vực và trên cả nước.
Ban đêm, đứng trên cao nhìn toàn cảnh, cả thành phố như một bức tranh đa sắc màu tuyệt đẹp, đèn điện sáng lung linh hoà cùng những bản nhạc du dương phát ra từ quán bar, vũ trường, các nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ. Nhịp sống đô thị về đêm tô vẽ thêm sự đa sắc màu văn hoá về vùng đất phương Nam, biểu hiện sinh đồng sự no ấm trù phú được thiên nhiên hào phóng ưu đãi…
Thú vị nào hơn khi rảo bước dọc chiều dài trong khu lấn biển lúc bình minh trải những giọt nắng vàng ươm trên mặt nước, sóng vỗ lao xao, từng lớp, từng lớp sóng lăn tăn, đuổi nhau, tạo nên thanh âm như một khúc nhạc du dương, thú vị. Trên bầu trời, những đám mây trắng màu cánh vạc nghiêng mình, thong thả trôi, vài cánh chim hải âu chấp chới trên biển.
Trong khi thả gót tận hưởng bầu không khí trong lành từ gió biển mặn mòi, bất chợt lòng lại chạnh buồn. Chính nơi tôi đang đứng đây, mấy chúc năm về trước là bãi sú vẹt, rừng già với những cây bần cổ thụ. Tôi tự hỏi mình: Khi thực hiện dự án công trình lấn biển, các nhà quản lý, nhà chuyên môn có đánh giá tác động môi trường? Hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ ven biển bị khai tử, nhường chỗ cho những khu nhà bê tông cốt thép, khu ăn chơi… Vai trò của rừng thì chắc chắn ai cũng hiểu; vai trò, vị trí rừng phòng hộ ven biển còn to lớn hơn nhiều.
Đến Rạch Giá không thể không ghé đình Thần, nằm phía tây thành phố. Đây là ngôi đình thiêng thờ cụ Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh phong trào chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX của vùng Nam Bộ, với câu nói đanh thép trước họng súng quân thù: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ, nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Về với Rạch Giá là về với mảnh đất mang nặng nghĩa tình. Con người nơi đây, thật thà, chân chất, sống trung thực, có trước có sau. Đi đâu tôi cũng bắt gặp những nụ cười thân thiện, chân thành, từ bác đạp xích lô, xe lôi, đến chị bán vé số hoặc em bé bán đồ dạo…
Về Rạch Giá là về với biển, bao dung hiền hoà, gắn bó thân thiết với bà con ngư dân. Ghé thăm cảng Rạch Giá, cảnh vật nơi đây thật nhộn nhịp, tập nập ghe tàu vào ra. Hình ảnh ấn tượng nhất là những anh ngư phủ vai bắp cuồn cuộn, cả một đời gắn bó với biển, với những con tàu nặng cá đầy khoang. Tại đây tôi rất vui khi mục sở thị các chiến sỹ Biên phòng đang làm nhiệm vụ kiểm soát xuất, nhập bến cho tàu thuyền ra vào với tác phong nghiêm túc, nhanh nhẹn và gần gũi tạo thuận lợi cho bà con yên tâm bám biển. Trong phút giây ngắn ngủi, quá khứ chợt hiện về, cách đây gần bốn mươi năm, chính trên mảnh đất này, tôi đã cùng đồng đội luôn chắc tay súng, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nam Bộ nói chung, Rạch Giá – Kiên Giang nói riêng đã bước vào mùa khô, nhưng thời tiết thật đỏng đảnh, thất thường, sáng, trưa nắng oi nồng, khó chịu, nắng ướp mật lên những chùm trái lúc lỉu trong vườn xanh. Chiều tối mưa xối xả, lênh láng. Các con sông, kênh, rạch đang còn dư âm của mùa lũ tràn về. Nước tại các sông, ao hồ vẫn còn cao. Những đặc sản mùa lũ nhiều vô kể: Cá linh, bông súng, bông điên điển, tạo nên món ăn đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Tôi thưởng thức đặc sản của vùng sông nước: Lẩu mắm cá linh, cá rô đồng chiên giòn, cá trê đồng nướng chấm mắm me… Thật hạnh phúc khi cùng người thân chếnh choáng trong men say, cùng uống ly rượu nhắm với các món ăn ngon, bổ dưỡng do thiên nhiên ban tặng.
Về Rạch Giá lần này cùng người bạn đời đã cùng nắm tay nhau đi gần bốn mươi năm nay, để tìm lại những kỷ niệm đẹp của thuở ban đầu. Dòng sông Kiên hiền hoà chảy, vắt qua thành phố vẫn còn đó. Nhưng công viên Lạc Hồng, rạp hát Châu Văn không còn nữa, nay đã chuyển sang công năng khác, đẹp hơn, quy mô hoành tráng hơn.
Mảnh đất này đã cưu mang, đùm bọc tôi và tại nơi đây, hạnh phúc của chúng tôi đâm chồi nảy lộc, để đến hôm nay, cho tôi một gia đình 3 thế hệ hạnh phúc, trưởng thành. Bất chợt tôi nhớ đến bài thơ gần đây để kỷ niệm 36 năm ngày cưới: Cung đàn vọng cổ vọng non sông/ Hào khí cha ông đất chín rồng/ Rạch Giá hương cài em đến đợi/Sài thành gấm dệt mẹ về trông/ Tàu reo bến đậu khoang đầy cá/ Én gọi mùa sang lúa chín đồng/…
Cuộc vui nào cũng phải kết thúc, tôi chia tay thành phố biển về với đất Sài thành, mang theo tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Còi tàu hú vang, như lời chào tiễn biệt chúng tôi về thành phố lớn, xe chuyển bánh đi xa nhưng tôi vẫn thấy người thân vẫy tay chào tạm biệt và hy vọng sẽ sớm ngày gặp lại tại thành phố biển thân thương.
Nguồn: Báo xây dựng