Nhiều vướng mắc liên quan đến Quy chuẩn 06:2022/BXD được Bộ Xây dựng giải đáp

Nhiều giải đáp thỏa đáng về những vướng mắc của Quy chuẩn 06:2022/BXD

Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh – Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Quy chuẩn 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình (Quy chuẩn 06) có 3 phiên bản. Mỗi phiên bản đều có những thay đổi về nội dung để phù hợp với thực tiễn. Những nội dung liên quan nhà công nghiệp, thuật ngữ, thông số… đều đã được cập nhật rõ trong các phiên bản sau của Quy chuẩn.

Đối với phiên bản năm 2021, Quy chuẩn đã có vướng mắc liên quan đến nhà công nghiệp, gây khó khăn cho các bên khi áp dụng. Bộ Xây dựng đã nhanh chóng sửa đổi nội dung để đến tháng 10/2022 có phiên bản mới, trong đó nhà công nghiệp được mở rộng về khoang cháy; đưa ra các quy định rõ hơn, thông thoáng để các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng thực hiện.

Tuy nhiên, phiên bản Quy chuẩn 06:2022/BXD vừa có hiệu lực ngày 16/01/2023 lại vấp phải nhiều kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp, đơn vị như quy định khó thực hiện, khó nghiệm thu công trình… Bên cạnh đó, thực tế xảy ra liên tiếp các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điều này khiến cho các bên đặc biệt quan tâm đến vấn đề về an toàn cháy cho từng công trình, đặc biệt là các quy định pháp luật có liên quan.

Bộ Xây dựng đã có rà soát, sửa đổi nội dung, sớm có dự thảo sửa đổi liên quan đến Quy chuẩn 06:2022/BXD. Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã cùng với Bộ Công an tháo gỡ, giải đáp những vấn đề còn tồn đọng, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Bộ cũng đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân về nội dung của Quy chuẩn 06 phiên bản 2022…

Theo đó, đã có ý kiến cho rằng cơ sở sản xuất kinh doanh phải nâng bậc chịu lửa công trình, trong khi đó hướng dẫn đạt được giới hạn chịu lửa chưa được phổ biến cụ thể. Giải đáp ý kiến trên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) Cao Duy Khôi cho biết, Bảng 4, Bảng 5 và Phụ lục H của QCVN 06:2022/BXD đã quy định rõ tương quan giữa quy mô, tính chất của công trình với bậc chịu lửa yêu cầu của công trình.

Các quy định về bậc chịu lửa đã được kế thừa và ổn định từ nhiều năm nay. Quy chuẩn 06 cũng có phụ lục F quy định sẵn giới hạn chịu lửa danh định của nhiều cấu kiện, kết cấu có thể chuẩn hóa nhằm đơn giản trong quá trình áp dụng (không phải kiểm tra, kiểm định, tính toán). Riêng đối với nhà sản xuất, Quy chuẩn 06:2022/BXD đã có nhiều giải pháp bổ sung, cho phép nâng đáng kể diện tích khoang cháy và giảm bậc chịu lửa công trình.

Đối với nội dung sơn chống cháy, sơn chống cháy là một trong những giải pháp bảo vệ kết cấu, còn nhiều giải pháp khác được liệt kê sẵn trong phụ lục F. Sử dụng giải pháp nào là lựa chọn của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế tùy thuộc vào những đặc điểm cụ thể của từng dự án.

Về bể nước chữa cháy, Quy chuẩn 06 không bắt buộc mỗi công trình phải trang bị bể riêng mà đưa ra nhiều hướng cho phép kết hợp với hạ tầng cấp nước ngoài nhà, các nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, các nguồn nước từ ao hồ (có thể dẫn từ xa về qua các hố thu trung gian), không cấm sử dụng bể chung cho nhiều công trình lân cận.

Quy định tại điều 6.1 của Quy chuẩn 06:2022/BXD đã xét đến điều kiện ở một số địa phương, khu vực mà hạ tầng hệ thống cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu chung thì cho phép thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ở những địa phương khu vực đó…

Sẽ sớm có dự thảo sửa đổi liên quan đến Quy chuẩn 06:2022/BXD

Giải trình làm rõ về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, (PCCC) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay có 9 quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy; 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy được biên soạn và ban hành bởi các Bộ như Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình.

Theo quy định của pháp luật về PCCC Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước về thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Về chuyển tiếp quy chuẩn, các phiên bản đều có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật, trên cơ sở nguyên tắc không hồi tố. Công trình đã áp dụng quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì được sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Về mức độ quy định của quy chuẩn trong tương quan với một số quốc gia khác, Bộ trưởng cho hay, khi so sánh quy định cơ bản của quy chuẩn với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác thì nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của quy chuẩn quy định không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp đối với nhóm nhà xưởng công nghiệp, nhóm nhà dân dụng quy mô trung bình trở lên và nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Bộ Xây dựng đã có rà soát, sửa đổi nội dung, sớm có dự thảo sửa đổi liên quan đến Quy chuẩn 06. Đồng thời tiếp tục làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Công an để giải quyết vướng mắc, có giải pháp kịp thời. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh của hiệp hội, doanh nghiệp để có chỉnh sửa nội dung sao cho hợp lý.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng các công trình, đảm bảo các yêu cầu về PCCC thông qua kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác cấp phép quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng và PCCC. Tăng cường phối hợp trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng với kiểm tra nghiệm thu về PCCC nhằm phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành.

Có chế tài xử lý vi phạm và yêu cầu khắc phục các điều kiện đảm bảo PCCC đối với các công trình được xây dựng từ lâu (trước giai đoạn Luật PCCC năm 2001) nhưng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Tăng cường xử phạt các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng các công trình xây dựng nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế điều chỉnh, thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC.

Nghiên cứu lộ trình trong việc cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường, bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC cho các khu dân cư hình thành từ lâu đời nhưng không đáp ứng được các điều kiện về PCCC theo quy định hiện hành. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, về các tiêu chuẩn, quy chuẩn của bộ xây dựng liên quan đến an toàn cháy cho nhà và công trình

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích