Nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi

Nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi

MTĐT –  Thứ hai, 27/09/2021 16:21 (GMT+7)

Các nhà làm phim tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên” diễn ra chiều qua 26/9 nhằm góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi

Đạo diễn Trần Thanh Huy nêu ý kiến: Các nhà làm phim cho biết hầu hết những ý kiến yêu cầu chỉnh sửa, cắt gọt phim thường đến với họ không ở dạng văn bản chính thức, nhưng hầu hết đều “chấp hành” nếu muốn phim ra rạp. “Nếu không cắt, không được duyệt, nhà sản xuất, nhà đầu tư làm sao muốn đầu tư cho mình trong những dự án tiếp theo”.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần trao quyền cho khán giả như những quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới đã làm.

tm-img-alt
Các nhà làm phim ký vào bản kiến nghị gửi Quốc hội thông qua hình thức trực tuyến. Nguồn: từ hội thảo

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, ở Mỹ, MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ mà thực tế là công ty tư nhân liên kết với những nghiệp đoàn điện ảnh) đưa ra hệ thống dán nhãn dành cho các bộ phim, bên cạnh đó đưa ra cảnh báo cho khán giả. “Khán giả được quyền quyết định tiếp cận với bộ phim hay không”, anh nói.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng: “Việc trao quyền cho khán giả không chỉ là sự tôn trọng mà đó còn là quyền công dân”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết trong quá trình xây dựng dự án Luật Điện ảnh sửa đổi còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Quốc hội. Trong đó có quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.

Nội dung dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đưa ra 2 phương án về phổ biến phim trên không gian mạng.

+ Phương án 1, cho phép các nhà phát hành “tự kiểm” và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm.

+ Phương án 2, dự thảo luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng nếu phim chiếu mạng được đề xuất phương án tự phân loại và hậu kiểm, phim điện ảnh phải tiền kiểm là chưa công bằng. Theo anh, điều quan trọng là cơ quan chức năng tạo ra một bộ tiêu chí phân loại rõ ràng. Từ đó, các nhà làm phim dựa theo tiêu chí và áp dụng.

Đạo diễn, nhà sản xuất Quang Huy cũng cho rằng nội dung Luật Điện ảnh hiện kiểm soát rủi ro, chưa thấy cách giúp phát triển điện ảnh. Theo anh, điều luật đang bó buộc khiến nhà làm phim không dám mạo hiểm. Muốn tồn tại, họ không dám thử nghiệm, sáng tạo, mà phải làm phim hài, gia đình.

Sau buổi tọa đàm, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi với Luật Điện ảnh (mới).

Cụ thể, các nhà làm phim đề nghị Quốc hội xem xét xóa bỏ tất cả điều cấm trong luật, chuyển những điều này thành bộ tiêu chí riêng, đính kèm trong nghị đính hướng dẫn thi hành luật với nguyên tắc tránh các khác niệm mơ hồ, có thể bị suy diễn chủ quan.

Theo Kinh tế Đô thị, các nhà làm phim đề xuất nên thành lập Hội đồng riêng xem xét phổ biến phim ở nước ngoài. Việc này được thực hiện theo bộ tiêu chí phân loại. Xây dựng một có chế khiếu nại hành chính minh bạch, hiệu quả với quá trình phân loại, duyệt phim; cấp và thu hồi các loại giấy phép.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng có các kiến nghị về hỗ trợ sản xuất, phổ biến phim, hợp tác quốc tế.

Các nhà làm phim cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh này không có những thay đổi quan trọng, cần thiết; còn có quá nhiều điểm chung chung, cấm đoán và cần được loại bỏ, thay thế, nhiều rào cản cần được dỡ bỏ, chưa làm rõ được tinh thần xây dựng, kiến tạo./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích