Nhiều vấn đề kinh tế – xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến

Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội được đại biểu đề xuất Chính phủ giải quyết - Ảnh 1.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Đạt được những kết quả về kinh tế-xã hội là do sự quyết tâm, đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương, đồng thuận của doanh nghiệp, người dân. Ảnh: VGP/HL.

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Nhiều ý kiến đại biểu khẳng định, trong bối cảnh khó khăn do những tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong năm 2022.

Chính phủ hết sức nỗ lực trong hoạt động chỉ đạo, điều hành

Nêu bật một số kết quả chính đạt được về kinh tế-  xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã khái quát lên 3 thành công lớn của nước ta trong 9 tháng vừa qua.

– Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

– Thứ hai, kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh trong hoàn cảnh khó khăn.

– Thứ ba, bối cảnh thế giới nhiều biến đổi khó lường, nhưng đất nước ta vẫn giữ được ổn định với đường lối ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đường lối ngoại giao “cây tre”, giữa những mâu thuẫn, Việt Nam không chọn phe, mà chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa.

Nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn do những tác động tiêu cựu của dịch Covid – 19, song Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội trong năm 2022, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trên cơ sở dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế nước ta dần hồi phục và khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán.

“Đạt được những kết quả trên là do sự quyết tâm, đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương, đồng thuận của doanh nghiệp, người dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) nhấn mạnh: Năm 2022 tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành vào cuộc của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, những kết quả đạt được khá toàn diện, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách vượt so với dự toán.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được tập trung chỉ đạo bước đầu thực hiện hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp cho các địa phương, từ đó tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, xử lý các tồn đọng kéo dài nhiều năm, ứng phó kịp thời với những biến động của thế giới, khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 còn nhiều khó khăn mà nước ta phải đối mặt, xử lý. Những khó khăn cũng đã được Báo cáo Chính phủ nêu lên. Trong đó nổi lên những vấn đề rất cần được quan tâm, như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng; những rủi ro trong bảo đảm vĩ mô còn lớn; nhân lực, cơ sở vật chất y tế còn bọc lộ những bất cập; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó…

Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội được đại biểu đề xuất Chính phủ giải quyết - Ảnh 2.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề xuất cần có giải pháp kịp thời và quyết liệt hơn trong giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế. Ảnh: VGP/HL.

Tập trung giải quyết các tồn tại của ngành y tế

Về vấn đề y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định, nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề xuất cần có giải pháp kịp thời và quyết liệt hơn trong giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế.

Theo các đại biểu, ngành y tế đang được bộc lộ nhiều bất cập cần các cơ quan chức năng cần hết sức qua tâm tháo gỡ, xử lý, trong đo nổi lên là nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.

Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid – 19 vẫn đang tiếp tục.

Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào nghị quyết kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa được do vượt tổng mức thanh toán. Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội cho việc phân bổ ngân sách Nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua. Ảnh: VGP/HL 
Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua. Ảnh: VGP/HL. 

Tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng nêu lên những đề xuất cụ thể trong điều hành kinh tế – xã hội những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới.

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua, trong đó quyết liệt triển khai tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Đồng thời, hết sức chú ý thận trọng, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đảm bảo nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hành tiết kiệm chi tiêu hợp lý.

Nhận định vấn đề về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang rất quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đạo tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Theo Báo CP

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích