Nhiều tác động tích cực đến thị trường bất động sản Long An

(Xây dựng) – Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm và công trình góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội ở Long An. Bên cạnh đó việc phân khúc bất động sản cao cấp và hạng sang mở bán cũng góp phần đẩy biểu giá trung bình của thị trường bất động sản tăng.

Nhiều tác động tích cực đến thị trường bất động sản Long An
Hạ tầng giao thông của Long An ngày càng đồng bộ và hoàn thiện

Hệ thống hạ tầng được “khơi thông”, bất động sản Long An diễn biến tích cực

Xác định rõ “hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển”, những năm qua, tỉnh Long An đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Qua đó, hệ thống giao thông trong tỉnh Long An ngày càng được thông suốt, huyết mạch, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược.

Hàng loạt tuyến đường trọng điểm kết nối Long An – Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Giao thông vận tải thông qua, UBND tỉnh Long An triển khai đồng bộ.

Cụ thể, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó quy hoạch, Quốc lộ 50B kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Long An và Tiền Giang. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18.673 tỷ đồng.

Quốc lộ xây mới 50B có hướng tuyến trùng với Tỉnh lộ 827E của Long An có tổng chiều dài 55km, rộng 78m. Điểm đầu của dự án tại đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) và điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Trong đó, đoạn qua địa phận Long An dài 35,5km, đoạn qua Tiền Giang hơn 14km, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh 5,8km. Kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 13.800 tỷ đồng trong tổng số 18.673 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An cho biết, tỉnh đang tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng phần đường dẫn vào 3 cầu trên nói trên. Từ đó giúp kết nối các cây cầu với nhiều tuyến đường tỉnh, tuyến quốc lộ nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư xây dựng 3 cầu bằng vốn vay ODA.

Dự án Tỉnh lộ 827E/Quốc lộ 50B hoàn thành tạo trục kết nối giao thông với các tuyến Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường kết nối tới các cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (Sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài ra, dự án Quốc lộ 50B cũng tạo quỹ đất để chỉnh trang, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút đầu tư, phát triển các khu dân cư, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp dọc hai bên.

Bên cạnh đó, các trục đường như Vành đai 4 cũng được cập nhật quy hoạch có liên quan, dự báo lưu lượng để tính toán quy mô, phương án kỹ thuật phù hợp. Đối với đoạn từ nút giao 826D đến cuối tuyến (dài khoảng 9,5km), Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An rà soát, làm rõ cơ sở đề xuất phương án đường cao tốc đô thị hoặc đường trục chính đô thị.

Đối với đường mở mới Tây Bắc (huyện Bình Chánh) kết nối với đường tỉnh ĐT.823D (huyện Đức Hòa, Long An), UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương điều chỉnh hướng tuyến và cập nhật điều chỉnh quy hoạch có liên quan trên địa bàn huyện Bình Chánh. Thành phố Hồ Chí Minh cũng thống nhất việc UBND tỉnh Long An đầu tư xây dựng cầu Kênh Ranh cùng với phần Đường tỉnh 823D đang thi công để đảm bảo việc kết nối giao thông khu vực.

Còn tuyến đường Võ Văn Kiệt nối dài (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) kết nối Khu công nghiệp Hải Sơn – Tân Đô (huyện Đức Hòa, Long An), UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan bổ sung hướng tuyến, quy mô đoạn từ Vành đai 3 đến ranh tỉnh Long An vào đồ án quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh và các đồ án quy hoạch khác.

Mới đây, đường Lương Hòa – Bình Chánh là một phần của tuyến Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, một trong 6 tuyến đường quan trọng của tỉnh Long An trong định hướng phát triển đến năm 2030. Đoạn thành phần qua tỉnh Long An từ sông Vàm Cỏ Đông đến Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 6,2km. Dự án này có chiều dài 4,5km, lộ giới 60m từ Đường tỉnh 830 đến ranh giới huyện Bình Chánh do 2 doanh nghiệp là Prodezi Long An và Tandoland làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng.

Nhiều tác động tích cực đến thị trường bất động sản Long An
Việc chào đón ngày càng nhiều phân khúc cao cấp, hạng sang đã đẩy biểu giá trung bình của thị trường nơi đây tăng từ 10-15% mỗi năm.

Nhiều dự án bất động sản hạng sang mở bán đẩy biểu giá trung bình bất động sản tăng

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Long An chứng kiến sự lên ngôi của loại hình khu đô thị tích hợp. Một số doanh nghiệp tiên phong phát triển dự án tại đây phải kể đến Nam Long, Vingroup, Ecopark, Phú Mỹ Hưng, BIM Group, Him Lam.

Sự hiện diện của các khu đô thị quy hoạch bài bản đã giải quyết hàng loạt mối băn khoăn như nhu cầu ở thực, phát triển chuyên nghiệp, hạ tầng xã hội đồng bộ, tiện ích nâng cao. Từ đó cũng kéo theo mặt bằng giá bất động sản khu vực đi lên. Các sản phẩm trong khu đô thị có giá từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng/căn không còn quá xa lạ với Long An.

Việc chào đón ngày càng nhiều phân khúc cao cấp, hạng sang đã đẩy biểu giá trung bình của thị trường nơi đây tăng từ 10-15% mỗi năm. Điều này tạo ra sự chênh lệch về nhu cầu và giá bán ở một số khu vực, trong khi thanh khoản chưa tương xứng.

Dù giá các dự án mới tăng liên tục nhưng xét về thanh khoản, bất động sản khu vực còn khá chậm nhịp, ít xảy ra tình trạng sốt. So với các tỉnh thành lân cận Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, giá bất động sản tại Long An đang nằm ở mức hợp lý, dễ chịu.

Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn, giá đất ở Long An chỉ rơi vào mức 8-12 triệu đồng/m2. Giá đất ở các khu thị trấn, thị xã từ 18-55 triệu đồng/m2; giá bán biệt thự dao động trung bình từ 3-15 tỷ đồng/căn. Dòng sản phẩm siêu sang ven sông ở mức 30-40 tỷ đồng/căn nhưng số lượng hạn chế. Chỉ số này so với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai hay Bình Dương còn ở ngưỡng thấp hơn.

Trong báo cáo quý II/2024 diễn ra mới đây, đại diện Savills Việt Nam cho hay, với quỹ đất khan hiếm, giá nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp ba lần trên thị trường sơ cấp và gấp đôi trên thị trường thứ cấp trong vòng 5 năm qua. Giá bán tăng đã đẩy những người mua nhà với mục đích ở thực sang các tỉnh lân cận để có nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn. Đồng Nai, Long An là một lựa chọn.

Theo đơn vị này, dự kiến đến năm 2026, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá dưới 5 tỷ đồng và chỉ có 10% nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỷ đồng. Trong khi đó, các sản phẩm với mức giá này lại chiếm 50-80% tại các tỉnh lân cận. Sự lựa chọn đa dạng hơn khi các khu đô thị quy mô xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường tỉnh và được đầu tư bài bản.

Tiềm năng tăng giá trong dài hạn của bất động sản Long An là dễ thấy, song sự khó khăn chung của thị trường cũng là rào cản về thanh khoản cho các dự án. Chưa kể, những dự án hay khu vực được các “đại gia” bất động sản ngắm nghía vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, xúc tiến đầu tư.

Vì thế, theo các chuyên gia, bỏ tiền vào bất động sản Long An cần tầm nhìn 3-5 năm mới mang lại lợi nhuận ổn định. Chưa kể, xét về câu chuyện hạ tầng, nơi đây vẫn hạn chế so với các khu vực vệ tinh khác của Thành phố Hồ Chí Minh, cần thêm thời gian để hạ tầng thực sự là đòn bẩy cho thị trường bất động sản.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích