Nhiều rủi ro, dễ tranh chấp, vì sao người dân vẫn muốn mua chung cư mini?

Loại hình chung cư mini bắt đầu ra đời kể từ khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Nghị định này cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ, được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ.

Nhờ đó, các chung cư mini ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng mọc lên như “nấm sau mưa” và đa số các tòa nhà chung cư mini đều ở vị trí giao thông không thuận lợi, nằm sâu trong ngõ hẹp…

Đặc biệt, cũng vì để tối đa hóa lợi nhuận mà rất nhiều công trình dạng này xây sai phép, ví dụ như xây quá số tầng, chia nhỏ diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép… Cũng chính vì việc xây dựng không đúng theo các quy định của pháp luật, nên cho dù ra đời cả chục năm nay nhưng vẫn rất nhiều chung cư mini chưa được cấp sổ hồng.

Nhiều rủi ro, dễ tranh chấp, vì sao người dân vẫn muốn mua chung cư mini?
Bất chấp những rủi ro về tính pháp lý, cháy nổ, nhiều người dân vẫn bất để mua chung cư mini vì giá rẻ, thuận tiện di chuyển và gần trung tâm

Bất chấp những rủi ro về tính pháp lý, cũng như vụ việc cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân vừa qua, hiện trên các trang mạng xã hội, hay các website về bất động sản chung cư mini vẫn được rao bán rầm rộ tại các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Cùng với đó là những lời hứa hẹn một cách mập mờ như: Chung cư có đầy đủ giấy tờ pháp lý chính chủ theo quy định như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng. Hợp đồng mua bán công chứng. Cấp sổ đỏ theo Nghị định 71… Trong khi đó, giá cả, diện tích đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, với diện tích từ 35 – 37m2, có giá từ 8 – 900 triệu đồng/căn; căn 2 ngủ diện tích từ 48 – 50m2, giá vào khoảng 1,2 tỉ/căn.

Với mức giá rẻ như trên, dễ hiểu khi vẫn có rất nhiều người dân tìm mua chung cư mini để giải quyết vấn đề nhà ở. Đặc biệt, nó phù hợp kinh tế hạn hẹp của người dân, với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cũng không ít người dân khi được hỏi về lý do mua nhà chung cư mini để ở cho rằng, họ không muốn đi xa trung tâm, nơi có đầy đủ tiện ích vui chơi, học hành của con cái; đặc biệt là thuận lợi, tiết kiệm thời gian khi phải di chuyển để đến nơi làm việc…

Lý giải về quyết định lựa chọn mua chung cư mini của mình, chị Hồng Tươi ở Hồng Mai, Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Từ khi đặt chân đến Hà Nội học tập, sinh sống và làm việc tôi đã ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi, vì thế, khi lựa chọn mua nhà, tôi cũng không muốn đi xa khu vực này. Ở đây vừa tiện cho con cái học hành, vừa thuận tiện di chuyển lên phố, hay đến cơ quan làm việc. Vì thế, tôi quyết định lựa chọn chung cư mini để mua dù biết tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro”.

Không lựa chọn ở “gần trung tâm” như chị Hồng Tươi, nhiều người dân tìm đến với nhu cầu chung cư mini vì lý do tài chính. Tuy nhiên, khi được hỏi với mức giá mua chung cư như vậy thì sao không tìm đến các khu vực nhà ở xã hội? Về vấn đề này, không ít người lắc đầu cho rằng, điều kiện và bài toán thu nhập muốn sở hữu căn hộ nhà ở xã hội đối với nhiều người là “cực khó”.

Trong khi đó, thực tế phân khúc này đang cung ít, cầu nhiều. Không những thế, hầu như dự án nhà ở xã hội nào trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra câu chuyện “lùm xùm” khi môi giới “thổi giá”, quảng cáo mua bán nhà ở xã hội như nhà thương mại và thậm chí người giàu cũng xếp hàng đi mua nhà ở xã hội. Bởi vậy, không dễ để người thu nhập thấp có thể mua được nhà. Bởi thế, chung cư mini vẫn là bài toán hợp lý nhất?

Một vấn đề nữa mà người dân lựa chọn mua chung cư mini đó chính là những lời “quảng cáo có cánh” của các môi giới bất động sản, chủ đầu tư khi hứa hẹn, trong một khoảng thời gian nhất định, họ cam kết sẽ làm thủ tục tách sổ đỏ. Ở đây, mỗi chủ căn hộ mini sẽ được cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng sở hữu, đồng sử dụng với các chủ căn hộ còn lại trong tòa nhà. Như vậy, nếu tòa chung cư mini có 35 căn hộ bán cho 35 người, thì sẽ có 35 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp và từng người thay nhau đứng tên trên bìa giấy chứng nhận, đồng sở hữu với những người còn lại.

Tuy nhiên, nói là như vậy, để được làm thủ tục tách sổ đỏ không hề đơn giản. Lý do bởi, trước hết, chỉ khi chủ chung cư mini bán hết 100% căn hộ thì người dân mới được làm thủ tục cấp sổ. Thứ 2, tất cả chủ căn hộ trong tòa nhà phải đồng ý đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu một người không đồng ý, việc cấp sổ sẽ không thể thực hiện được. Đó là chưa kể đến việc, nếu chủ nhà xây dựng sai giấy phép, bị xử phạt vi phạm mà chưa khắc phục hậu quả, thì chắc chắn sẽ không được chính quyền tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng chủ căn hộ…

Có thể thấy, việc mua, chuyển nhượng chung cư mini tưởng đơn giản, nhưng cực kỳ phức tạp về vấn đề pháp lý. Thế nhưng, nhiều người thu nhập thấp không có điều kiện về kinh tế với mong muốn có một chỗ ở ổn định, hợp với khả năng tài chính; hay những người với tư duy “cố thủ ở vũng lõi Thủ đô”, hay “lười” di chuyển xa… vì vậy vẫn chấp nhận đối mặt với rủi ro, khi mua và sinh sống trong những căn chung cư mini. Thậm chí, nhiều người khi đọc thông tin về vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa qua vẫn cho rằng, đó không phải là chung cư của mình.

Thiết nghĩ, hiện nhà ở chung cư mini là vấn đề rất nan giải, trong khi chờ đợi sự nhìn nhận của Nhà nước về vấn đề nhà ở giá rẻ, cũng như các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, có các chính sách mạnh mẽ hơn khi dành ra các quỹ đất cho người có thu nhập thấp, người ngoài tỉnh; thì cũng rất cần sự thay đổi tư duy, nhìn nhận về những nguy cơ tiềm ẩn mà chung cư mini mang lại từ người dân. Có như vậy mới tránh được những tai nạn khủng khiếp xảy như với căn hộ chung cư mini tại quận Thanh Xuân vừa qua.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích