Nhiều quy định quản lý sử dụng nhà chung cư được luật hóa đảm bảo tính pháp lý cao hơn
(Xây dựng) – Báo cáo tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến tại Tổ Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có liên quan đến quản lý sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng cho biết nhiều quy định đã được luật hóa đảm bảo tính pháp lý cao hơn.
Quy định về quản lý kinh phí bảo trì sẽ cụ thể cơ chế lập tài khoản, rõ trách nhiệm khắc phục việc chi tiêu tùy tiện. |
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại các Tổ Đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng nhà chung cư.
Một số ý kiến góp ý tập trung chủ yếu đến quy định kinh phí bảo trì nhà chung cư, cụ thể là đề nghị rà soát, xem xét tính hợp lý của quy định đóng 2% kinh phí bảo trì ngay sau khi bàn giao nhà ở. Theo các đại biểu phân tích, nhà mới xây dựng chưa cần bảo trì, việc lưu giữ khoản tiền này có thể dẫn đến tiêu cực, tranh chấp, khiến kiện…
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét về thẩm quyền xử lý tranh chấp kinh phí bảo trì, nên thay thế quy định giao UBND cấp tỉnh giải quyết bằng quy định chuyển sang Tòa án nhân dân giải quyết cho phù hợp vì đây là tranh chấp tài sản, thuộc vấn đề về dân sự.
Theo Bộ Xây dựng, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư là vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm. Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã kế thừa quy định của luật hiện hành, dành hẳn 01 Chương quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư (như: sở hữu chung, riêng, Hội nghị nhà chung cư, Ban quản trị, quản lý vận hành tòa nhà…).
Ngoài các quy định hiện hành, dự thảo trình lần này còn luật hóa một số quy định trong Nghị định số 99/2015/NĐ-CP để bảo đảm tính pháp lý cao hơn và bổ sung thêm các nội dung mới phát sinh để khắc phục các tồn tại hạn chế hiện nay; có thể kể đến như: bàn giao, tiếp nhận, khai thác, quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà chung cư…
Về quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì 2% khi nhận bàn giao căn hộ, thì Bộ Xây dựng cho rằng đây không phải là nội dung mới mà trước đó đã được quy định từ Luật Nhà ở 2005, tiếp tục được kế thừa trong Luật Nhà ở 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, hiện nay, quy định này vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế của nước ta nhằm bảo đảm có sẵn kinh phí để tiến hành bảo trì ngay khi xuất hiện hư hỏng tại phần sở hữu chung. Nếu để khi có phát sinh công việc cần bảo trì mới yêu cầu đóng kinh phí này thì sẽ khó thực hiện được trên thực tế do người sử dụng có thể không đóng, dẫn đến không có hoặc không đủ kinh phí để bảo trì (thực trạng này đang xảy ra tại các nhà chung cư cũ được xây dựng trước đây).
Về tài khoản quản lý kinh phí bảo trì, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể cơ chế lập tài khoản quản lý, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban quản trị trong việc quản lý, sử dụng tiền kinh phí bảo trì, khắc phục tình trạng chi tiêu tùy tiện, không đúng mục đích đã từng xảy ra tại một số nhà chung cư trước đây. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
Về kiến nghị thẩm quyền xử lý tranh chấp kinh phí này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến của Quốc hội.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm… để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi).
Nguồn: Báo xây dựng