Nhiều nước trên thế giới đối mặt với làn sóng Covid-19 biến thể mới
Nhiều nước trên thế giới đối mặt với làn sóng Covid-19 biến thể mới
Từ Âu sang Á, hàng loạt nước khẩn trương ứng phó tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong mùa đông này, chủ yếu do sự lây lan của biến thể phụ JN.1.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến đầu năm 2024, thế giới tiếp tục ghi nhận các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86.
Thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới chứng kiến sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trong mùa đông, chủ yếu do sự gia tăng của biến thể JN.1 – một biến thể phụ của Omicron có khả năng lây lan rất nhanh.
Tháng 12/2023, WHO đã phân loại biến thể phụ JN.1 là “biến thể được quan tâm” vì nguy cơ biến thể này.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ trước tình trạng ngày càng có nhiều ca mắc bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả do COVID-19 do JN.1.
Mỹ
Theo hãng tin Reuters, Mỹ đang ở giữa làn sóng của COVID-19. Đầu tuần này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính biến thể phụ JN.1 chiếm khoảng 85,7% số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ. Theo CDC, JN.1 vẫn là biến thể lưu hành rộng rãi nhất của SARS-CoV-2 ở Mỹ và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, CDC cho biết hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây bệnh nặng hơn các biến thể khác, đồng thời lưu ý thêm rằng các loại vaccine hiện có dự kiến sẽ tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể này.
CDC dự đoán trong thời gian tới số ca nhiễm biến thể phụ JN.1 ở Mỹ dự kiến sẽ dao động trong khoảng 83-88%, cao hơn nhiều so với mức 55-68% mà cơ quan này dự đoán ngày 5-1.
Úc
Bộ Y tế và người cao tuổi Úc ngày 22-1 nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước một làn sóng COVID-19 “đáng kể” mới.
Theo số liệu của chính phủ Úc, tính đến ngày 22-1, nước này ghi nhận hơn 26.000 trường hợp nhiễm COVID-19 trên khắp đất nước.
GS Paul Kelly – quan chức cấp cao của Bộ Y tế và người cao tuổi Úc cho biết số ca nhiễm ở nước này đã tăng đột biến kể từ đầu tháng 12, chủ yếu do biến thể phụ JN.1. Ông Kelly cảnh báo rằng số ca nhiễm thực tế thậm chí còn cao hơn số liệu đã công bố.
“Khi bạn nhìn vào số liệu chính thức về các ca bệnh, điều đó phản ánh những gì đang xảy ra trong cộng đồng và rất hữu ích cho việc theo dõi, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Chắc chắn có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng hơn số liệu được báo cáo chính thức” – theo ông Kelly.
Ngoài ra, ông Kelly nhấn mạnh nguy cơ bệnh nặng đối với những người lớn tuổi, khả năng miễn dịch suy yếu, đồng thời khuyến cáo người dân tiêm chủng bổ sung.
Tuy nhiên, vị quan chức nói thêm rằng hiện tại “không có bằng chứng” về tỉ lệ tử vong và ca bệnh nặng gia tăng trong đợt dịch này.
Trung Quốc
Ngày 14/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã cảnh báo về khả năng bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 vào tháng 1 do sự gia tăng của biến thể phụ JN.1.
Theo NHC, dù tỉ lệ ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc hiện tại vẫn ở mức thấp (dưới 1% tại các trạm kiểm tra), nhưng sự hiện diện của JN.1 là đáng chú ý.
“Các chuyên gia đã kết luận rằng nhiều bệnh về đường hô hấp có khả năng lây lan trong mùa đông này và mùa xuân tới. Virus cúm dự kiến sẽ vẫn là mầm bệnh chiếm ưu thế” – ông Wang Dayan, người đứng đầu Trung tâm Cúm Quốc gia Trung Quốc, nói tại cuộc họp ngày 14/1 của NHC.
Ông Wang cho rằng sự gia tăng của biến thể JN.1 là do một số yếu tố, bao gồm: các ca bệnh nhập khẩu, khả năng miễn dịch trong cộng đồng suy giảm,…
Vị quan chức cũng kêu gọi các nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em và người già nên ưu tiên tiêm phòng.
Đông Nam Á
Trước đó, đầu mùa đông này, các nước Đông Nam Á đã tăng cường các biện pháp phòng dịch sau khi chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad ngày 14/12/2023 cho biết chính phủ chuẩn bị công bố các chỉ thị bổ sung để chống lại sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19, trong đó bao gồm yêu cầu tiêm mũi tăng cường, nhất là đối với người có nguy cơ cao.
Tổng giám đốc y tế Malaysia – Tiến sĩ Muhammad Radzi Abu Hassan cũng khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang sau khi số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng gần gấp đôi lên 12.757 ca trong tuần thứ hai của tháng 12-2023 so với một tuần trước.
Indonesia cũng ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm vào đầu mùa đông khiến bộ y tế nước này hồi tháng 12-2023 ra thông tư kêu gọi người dân hoàn thành việc tiêm chủng và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị