Nhiều nước lại siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống Covid-19

Nhiều nước lại siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống Covid-19
Một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 ở thị trấn Motherwell (Scotland, Anh) vào ngày 1-8.

Châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) sẽ loại khỏi danh sách quốc gia thứ ba an toàn về dịch tễ đối với 6 quốc gia, bao gồm Mỹ, Israel, Kosovo, Lebanon, Montenegro và Bắc Macedonia kể từ ngày 30-8. Điều này đồng nghĩa với việc các nước thành viên EU được khuyến nghị tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vì mục đích không thiết yếu đối với người tới từ các quốc gia này. Cả 6 nước trong danh sách này đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây.

Dữ liệu của Chính phủ Anh cho thấy, tính đến ngày 27-8, trong số 90.466.529 liều vắc xin ngừa Covid-19 được sử dụng ở nước này, có 47.958.928 liều được sử dụng cho người tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

Các nhà khoa học Anh cảnh báo, các bữa tiệc chào đón tân sinh viên vào tháng tới có thể khiến các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng đột biến. Lần đầu tiên kể từ năm 2019, các trường đại học ở Anh đang lên kế hoạch tổ chức các sự kiện trực tiếp dành cho sinh viên năm thứ nhất. Giáo sư Susan Michie, thành viên của nhóm khoa học hành vi Covid-19 của chính phủ Anh cho rằng, vẫn sẽ có rủi ro cao ngay cả khi các sự kiện này được tổ chức ngoài trời.

Đảo Sicily của Italia sẽ sớm được đặt dưới các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Đây là lần đầu tiên sau 2 tháng các biện pháp như vậy được tái áp đặt ở cấp khu vực. Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cho biết ông đã ký một sắc lệnh mới đưa Sicily vào khu vực màu vàng, đồng nghĩa với việc mọi người phải đeo khẩu trang trong nhà, ngoài trời và thực khách của các nhà hàng sẽ chỉ được giới hạn theo nhóm 4 người. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 30-8.

Kể từ đầu mùa hè, tất cả các khu vực ở Italia đã được xếp vào vùng màu trắng có mức độ rủi ro thấp, song sự lây lan của biến chủng Delta đã làm dấy lên lo ngại. Sicily hiện có số người phải nhập viện và chăm sóc đặc biệt do Covid-19 cao nhất ở nước này.

Châu Á – châu Đại Dương

Ngày 28/8, chính phủ Philippines đã gia hạn các biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và một số tỉnh, trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục. Bộ Y tế Philippines thông báo đã có thêm 19.441 ca nhiễm mới Covid-19 trong 1 ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên hơn 1,93 triệu người.

Trước tình hình này, Người phát ngôn Harry Roque cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 7-9. Một số cơ sở kinh doanh có thể hoạt động tới 50% công suất, song việc ăn uống bên trong nhà hàng, các dịch vụ chăm sóc cá nhân và hoạt động tôn giáo vẫn bị cấm tại vùng đô thị Manila. Bên cạnh đó, 9 tỉnh và 6 thành phố khác của nước này cũng áp đặt các biện pháp hạn chế cấp độ cao thứ hai này do có số ca mắc tăng nhanh.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 ở New Zealand đang có chiều hướng trở nên tồi tệ hơn, với 82 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 28-8. Tất cả các ca mắc mới Covid-19 đều xuất hiện tại thành phố Auckland.

New Zealand đã trải qua 11 ngày áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, khi người dân không được rời khỏi nhà, trừ lúc tập thể dục hoặc mua sắm hàng hóa thiết yếu và thuốc men. Các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, trường học và hầu hết các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa.

Châu Mỹ

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phát hiện ra một giáo viên chưa được tiêm chủng ngừa Covid-19 ở một trường tiểu học ở bang California đã lây nhiễm cho một nửa số học sinh của mình và lây cho tổng cộng 26 người sau khi mắc biến chủng Delta.

Giáo viên này đã lên lớp trong 2 ngày dù đã có các triệu chứng của Covid-19 và không đeo khẩu trang trong suốt khoảng thời gian này. Sự lây nhiễm cũng tương ứng với sơ đồ chỗ ngồi của lớp học, khi những học sinh ngồi gần giáo viên nhất có khả năng nhiễm bệnh cao nhất.

Người hâm mộ quần vợt từ 12 tuổi trở lên sẽ phải xuất trình chứng nhận đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để được theo dõi trực tiếp các trận đấu của giải quần vợt Mỹ mở rộng US Open.

Trước đó, giải đấu này không yêu cầu việc xuất trình chứng nhận tiêm chủng hay kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Các quy định nghiêm ngặt hơn chỉ được đưa ra do yêu cầu từ Thị trưởng New York Bill de Blasio và các lãnh đạo khác của thành phố.

Châu Phi

Bộ Y tế Sudan và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, Sudan đã nhận được lô hàng gồm 218.400 liều vắc xin ngừa Covid-19 tới từ Pháp của hãng AstraZeneca (Anh – Thụy Điển). Vắc xin được cung cấp thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX).

Trước đó, vào tháng 3, Sudan đã nhận được 820.000 liều vắc xin AstraZeneca thông qua COVAX và UNICEF. Nước này nhận được 606.700 liều vắc xin Johnson&Johnson từ Mỹ vào đầu tháng 8 và cũng đã nhận được một số liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Sinopharm của Trung Quốc.

Theo UNICEF, việc tiêm chủng diễn ra vào thời điểm quan trọng khi số lượng người mắc Covid-19 ở Sudan đang tăng lên, trong khi nước này đang chuẩn bị mở cửa lại trường học sau 3 năm bị gián đoạn nhiều lần.

Theo Minh Hiếu/hanoimoi.com.vn

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1010355/nhieu-nuoc-lai-siet-chat-cac-bien-phap-han-che-nham-phong-chong-covid-19

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích