Nhiều nhà đầu tư lạc quan sốt đất trở lại trong quý IV năm 2021
Giá bất động sản nhiều phân khúc tiếp tục leo thang
Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm được Savills Việt Nam công bố, quý II/2021 là quý thứ 10 liên tiếp giá bán căn hộ sơ cấp tăng.
Theo đó, giá chào bán căn hộ sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2 (tương đương 37,570 triệu đồng/m2), tăng 7% theo quý và 11% theo năm; trong đó các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm.
Cụ thể, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm (kể từ năm 2017) tại quận Cầu Giấy, nơi có các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục có chất lượng.
Giá bán sơ cấp tại quận Long Biên tăng 12%/năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng gần đây, bao gồm nút giao thông kết nối đường Vành đai 3 và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường Vành đai 2 cũng mang lại lợi ích cho các dự án hạng B và C tại đây.
Các quận, huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì cũng ghi nhận giá tăng.
Đáng chú ý, chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang được thu hẹp do cơ sở hạ tầng cải thiện và các dự án ở xa sẽ có nhiều tiện ích đa dạng để bù đắp cho bất lợi về vị trí. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Giá căn hộ sơ cấp trung bình ở Hưng Yên hiện thấp hơn khoảng 20% so với Hà Nội.
Cũng theo dữ liệu của Savills Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội tiếp tục đạt tỷ lệ hấp thụ tốt trong quý đến 56%, giá chào bán thứ cấp mỗi năm tăng khoảng 7% trong khi giá sơ cấp trung bình cũng tăng trong quý này.
Mức tăng giá sơ cấp trung bình cao nhất ở quận Hoàng Mai là 15% cho liền kề và 32% cho nhà phố thương mại; ở huyện Hoài Đức là 29% cho biệt thư, 38% cho liền kề và 59% cho nhà phố thương mại…
Nhìn nhận về hiện tượng giá các loại bất động sản liên tục lập đỉnh, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills lý giải, chính nguồn cung ít, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu chuẩn phát triển cao hơn và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng trực tiếp lên giá căn hộ.
Theo ông, những yếu tố về cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn phát triển, sự phát triển về vốn sở hữu cá nhân cũng đồng thời cho thấy thị trường đang hướng tới sự phát triển bền vững hơn nhiều so với trước kia.
“Đặc biệt, khi Việt Nam đang sở hữu những chỉ số kinh tế vượt trội so với những quốc gia khác trong khu vực với GDP 6 tháng đầu năm vẫn tăng 5,6%, sản xuất và xây dựng cũng tăng gần 9%, sự gia tăng về giá bất động sản có thể xem là một dấu hiệu tích cực của thị trường”, ông Matthew nhận định.
Nhà đầu tư lạc quan vào thị trường
Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, lịch làm việc của ông Nguyễn Quang (nhà đầu tư Hà Nội) vẫn không hề thay đổi. Dù mọi hoạt động giao dịch công chứng bị gián đoạn bởi dịch bệnh và hiện tại không thể ra ngoài thăm dò thị trường nhưng ông phải liên tục tư vấn thêm cho các khách hàng.
Chia sẻ với PV, ông Quang cho biết: “Tôi vừa tư vấn cho nhà đầu tư mới ở Hải Dương. Khách này đang có dự định rót 20 tỷ đồng vào đất vùng ven Hà Nội. Không chỉ người này mà nhiều khách khác của tôi cũng đang sốt ruột chờ hết hiệu lực chính sách giãn cách xã hội để họ có thể tiếp tục các hoạt động đầu tư vào bất động sản”.
Ông Quang khẳng định chắc nịch: “Chắc chắn sau dịch, thị trường bất động sản sẽ nóng trở lại. Vì lượng tiền trong dân còn lớn, thị trường chứng khoán đang xuống, họ đều tính toán tới đầu tư bất động sản trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Dân đầu tư vào kênh chứng khoán chủ yếu là những người trẻ, biết sử dụng công nghệ, có kiến thức về doanh nghiệp. Còn người trung tuổi có tiền sẽ thích đầu tư bất động sản vì họ có khả năng “thích nghi” với kênh kiếm tiền này”.
Lý giải thêm về nhận định sốt đất sẽ trở lại, ông Quang phân tích thêm: “Cứ bảo dịch khách sợ không dám mua nhưng khách của tôi đều muốn đầu tư hàng chục tỷ. Họ muốn mua tức là họ tin tưởng vào kênh đầu tư bất động sản và kỳ vọng sinh lợi. Đó là tín hiệu về niềm tin trên thị trường địa ốc của các nhà đầu tư còn tốt.
Nếu nhìn xa rộng hơn, có thể thấy, hoạt động đầu tư công đang được đẩy mạnh mẽ. Trong nguyên tắc đầu tư bất động sản hay ngay cả thời điểm giai đoạn 2013 – 2018 chứng minh, đầu tư công càng đẩy mạnh, thị trường bất động sản càng sôi động vì giá sẽ tăng. Đó là lý do mà các nhà đầu tư như tôi tin rằng, sốt đất rồi sẽ sớm quay trở lại”.
Đồng quan điểm đó, ông Triệu Thái (Hà Nội) cũng lạc quan tin rằng, thời điểm 3 tháng sau, khi dịch bệnh được kiểm soát, bất động sản sẽ nhanh chóng sốt nóng trở lại.
“Tôi dự báo khoảng 3 tháng nữa, khi Hà Nội đã đẩy mạnh việc tiêm vaccine, sốt đất sẽ sớm bùng nổ trở lại. Nhu cầu đầu tư bất động sản là điều có thật. Nhưng do chính sách giãn cách nên hoạt động đang tạm dừng. Khi hết giãn cách, những hoạt động giao dịch bị đứt gãy vì dịch bệnh thời điểm trước sẽ nhanh chóng được nối lại. Nhu cầu đầu tư sẽ như lò xo bị nén bật trở lại. Hơn nữa, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng hiểu rằng, khi hoạt động đầu tư công đẩy mạnh thì đồng nghĩa bất động sản sẽ tăng trưởng”, ông Thái nói.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, đa số các nhà đầu tư trong nước đều là người có kinh nghiệm trên thị trường bất động sản, chính vì vậy, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 dù có ảnh hưởng đến thị trường nhưng họ vẫn tin tưởng rằng với việc triển khai tiêm vaccine và chính sách của Chính phủ sẽ góp phần phục hồi thị trường trong thời gian tới.
Bà An cũng khẳng định, việc phục hồi của thị trường bất động sản nói chung trong nửa cuối năm 2021 phần lớn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và tốc độ triển khai tiêm phòng vaccine. Bà An nhận định, nội tại từ thị trường bất động sản như chung cư, bán lẻ, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan.
Lạc quan nhưng đừng quá
Với góc nhìn thận trọng hơn, Chuyên gia kinh tế tài chính TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà đầu tư hiện đang quá lạc quan khi nhìn thị trường bất động sản phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh mà họ không biết đến bao giờ dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi, ngay cả đến thế giới cũng không biết khi nào kiểm soát được dịch bệnh. Số ca lây nhiễm tăng từng ngày nên khó mà có thể lạc quan nói rằng tình hình sẽ được kiểm soát trong vòng 6 tháng tới.
Ông Hiếu dự đoán tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài không những trong năm nay mà còn kéo dài đến năm 2022. Nền kinh tế muốn phục hồi phải mất ít nhất là 1-2 năm. Dự báo tương đối lạc quan là nền kinh tế phục hồi vào năm 2023.
“Về giá bất động sản tăng, tới mức nào đó sẽ phải dừng. Cơ cấu sản phẩm bất động sản tại Việt Nam phần lớn mang tính đầu cơ và đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Nếu bất động sản không được thanh toán, giá cứ lên khi dịch bệnh và nền kinh tế khó khăn, giá có thể rơi mạnh. Lúc đó, mức cầu giảm nhiệt rất nhanh kéo theo sự đổ vỡ của thị trường”, ông Hiếu cảnh báo.