Nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo sẽ được tổ chức tại Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu 2023
(Xây dựng) – Là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất trong năm đối với người dân Tây Ninh nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung, Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 21-23/6, với nhiều hoạt động và nghi lễ trang trọng.
Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hàng năm vào tháng 5 âm lịch. |
Nếu như đền Hùng có ngày Giỗ Tổ, đền Trần có lễ Khai ấn, Đền Bà Chúa Kho có lễ “vay tiền, xin lộc” đầu năm, thì tại núi Bà Đen, Tây Ninh, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (thường được gọi là Lễ vía Bà), chính là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất với người Nam bộ.
Gắn liền với huyền tích kỳ bí về Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hàng năm vào tháng 5 âm lịch, với các nghi thức lễ chính kéo dài trong ba ngày từ mồng 4, 5, 6/5. Trải qua nhiều thế kỷ, với giá trị tâm linh, văn hóa đặc sắc, lễ hội đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và là sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm về.
Năm nay, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu sẽ được Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Tây Ninh cùng Ban điều hành hệ thống các chùa Núi Bà tổ chức vào ngày 21, 22, 23/6 (tức ngày 4,5,6 tháng 5 Âm lịch) tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch, điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen với đa dạng hoạt động tâm linh, văn hóa nghệ thuật và nhiều trải nghiệm mới.
Nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa nghệ thuật đặc sắc
Suốt trong 3 ngày lễ, tại điện Bà và chùa Bà, đầy đủ các nghi thức truyền thống như Lễ Hưng tác – thỉnh Thành hoàng Bổn cảnh, Lễ cúng Ngọ Phật- cúng Cửu Huyền, Tiến Cửu Huyền Thất Tổ, Ngũ Âm Bá Tánh, Lễ tắm Bà… sẽ được tổ chức trang trọng, với sự tham dự của chư vị Tăng, Ni tại chùa Bà cùng nhân dân và Phật tử thập phương.
Nghi thức cúng tại lễ Vía Bà. |
Ngoài phần nghi lễ, trong các tối 21-22/6 (tức 4-5/5 âm lịch), nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo như Múa Mâm Vàng, Múa Rồng Nhang Long Mã hay những trích đoạn cải lương đặc sắc về sự tích Linh Sơn Thánh Mẫu cũng sẽ được trình diễn bởi các nghệ sỹ từ nhiều đoàn nghệ thuật, mang tới cho người dân và du khách tới núi Bà đa dạng trải nghiệm tâm linh và văn hóa truyền thống dân gian.
Giảng pháp về huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu, gặp gỡ ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa
Hướng tâm nguyện về Linh Sơn Thánh Mẫu, cảm nghiệm sự linh thiêng của một huyền thoại nơi núi Bà, dịp Lễ vía năm nay, du khách và Phật tử cùng người dân Nam Bộ còn có cơ hội được lắng nghe bài giảng pháp do Phó viện chủ hệ thống các chùa núi Bà, ni cô Thích Nữ Diệu Hải về huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu, để hiểu sâu hơn về vị Bồ Tát nơi núi Bà, và những tập tục mà nhiều năm nay, người dân và Phật tử vẫn thường làm khi về núi bái Bà, tìm sự bình an.
Phật tử sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa tại Lễ Vía Bà. |
Đặc biệt, trong ngày chính lễ 22/6 (5/5 âm lịch), Phật tử và du khách đến núi Bà sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa – Viện chủ hệ thống các chùa Núi Bà Tây Ninh. Bà là người có công lớn trong việc làm sống lại vẻ đẹp của núi Bà và tôn tạo, xây dựng hệ thống thờ tự linh thiêng tại núi sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Dành cả đời cho hoạt động thiện nguyện tại Tây Ninh, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa còn là một vị chân tu, một hình ảnh mẫu mực cho lối sống tốt đời đẹp đạo. Thậm chí, với những người dân nghèo ở Tây Ninh, hình ảnh Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa còn được ví như một vị “Bồ tát sống”. Bởi lẽ đó, sự xuất hiện của Ni trưởng chắc chắn sẽ là điều bà con và Phật tử thập phương mong chờ nhất và cũng là sự kiện có ý nghĩa lớn trong Lễ vía Bà năm nay.
Dâng đăng, chiêm bái quần thể các chùa núi Bà trong hàng ngàn đèn lồng, cờ Phật
Một nét mới độc đáo của Lễ vía Bà năm nay là chương trình dâng hoa đăng được tổ chức vào chiều ngày 22/6 (tức 5/5 âm lịch) tại khu vực chùa Bà. Sau lễ dâng đăng trên khu vực đỉnh núi dịp đại lễ Phật đản vừa qua, ý nghĩa thiêng liêng của hoạt động này đã thu hút nhiều Phật tử du khách tìm về Núi Bà, để được tĩnh tâm hướng trí theo ánh sáng soi đường từ những ngọn đăng, nguyện cầu những điều tốt lành cho đất nước, cho bản thân và gia đình.
Chùa Bà sẽ được trang hoàng lộng lẫy trong Lễ Vía bà năm nay. |
Suốt tuần diễn ra lễ hội, toàn bộ khu vực chùa Bà sẽ được trang hoàng lộng lẫy và trang nghiêm với hàng nghìn lồng đèn hoa sen, đèn nón lá, lồng đèn hạt lúa và cờ hội Phật giáo. Đây cũng là năm đầu tiên Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu được trang hoàng trang trọng và lung linh đến thế, hứa hẹn đem tới một mùa Lễ vía Bà thật sự đáng nhớ.
Chiêm bái ngọc xá lợi Đức Thích Ca Mâu Ni trên đỉnh núi
Lễ vía cũng là dịp để người dân, du khách hành hương, chiêm bái ngọn núi Bà linh thiêng, vốn được coi là một trong những đại huyệt mạch của quốc gia.
Tại khu vực đỉnh núi, đón đợi du khách thưởng ngoạn là quần thể công trình tâm linh kỳ vĩ với tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất trên đỉnh núi, khu triển lãm Phật giáo với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kinh điển.
Xá lợi Phật. |
Đặc biệt, trong không gian tầng 4 của trung tâm triển lãm Phật giáo dưới chân tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn, Phật tử, du khách sẽ có hồng phước tận mắt chiêm bái, đảnh lễ trước ngọc xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là ngọc xá lợi do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam năm 2014, với mong ước Phật giáo Việt Nam phát triển tốt đẹp, ngày càng thịnh vượng, hộ quốc an dân.
Ngọc xá lợi Phật được tôn quý như một báu vật. Nơi nào có sự hiện diện của Ngọc xá lợi Phật, nơi đó sẽ được đón nhận nhiều lợi lạc, an yên và phép màu nhiệm. Núi Bà Đen hiện là nơi hiếm hoi tại Việt Nam được chọn lưu giữ “bảo vật của thế giới Phật giáo”.
Theo hoà thượng Thích Niệm Thới – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh: “Ai có cơ duyên được chiêm bái xá lợi của Đức Phật sẽ nhận được công đức vô lượng, phước báu khôn cùng. Đó không chỉ là hồng phước dành cho bản thân họ, mà còn là lợi lạc cho con cháu và các thế hệ về sau”. Về với núi Bà dịp Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu, được lên đỉnh núi chiêm bái xá lợi đức Thích Ca, đó cũng là một phước báu khôn cùng của Phật tử, du khách./.
Nguồn: Báo xây dựng