Nhiều ngân hàng giảm được CIR trong quý 1/2023 nhờ chuyển đổi số, tối ưu hoạt động
Theo nhiều chuyên gia, năm 2023, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn tiềm ẩn nhiều thách thức, phần lớn nhà băng đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với các năm trước. Họ tập trung hơn vào việc đảm bảo các chỉ số an toàn, chất lượng tài sản và tối ưu hiệu quả hoạt động. Để duy trì tăng trưởng, nhiều ngân hàng cho biết sẽ tập trung quản trị chi phí hiệu quả, kiểm soát tốc độ tăng của chi phí thấp hơn tốc độ tăng thu nhập để cải thiện tỷ lệ CIR.
Tỷ lệ CIR có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng
Báo cáo tài chính quý 1/2023 cho thấy, nhiều ngân hàng đã cải thiện được chỉ số này, từ đó góp phần lớn vào kết quả kinh doanh tích cực, dù bối cảnh thị trường còn nhiều thử thách.
Tương tự tại VietinBank, kết quả kinh doanh tích cực có phần lớn đến từ việc ngân hàng kiểm soát tốt chi phí. Tổng thu nhập hoạt động quý 1 của ngân hàng đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; trong khi chi phí hoạt tăng 12,9% lên 4.314 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR tiếp tục được cải thiện từ 27,2% xuống còn 25,3%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) đạt hơn 12.700 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Tại VIB, tổng thu nhập hoạt động quý 1 năm nay đạt 4.929 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động ở mức 1.567 tỷ đồng, tăng trưởng với mức độ thấp hơn (tăng 7,4%). Tỷ lệ CIR giảm mạnh từ 35,3% cùng kỳ xuống còn 31,8% trong quý 1. Nhờ kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) của VIB đạt 3.362 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ.
ACB cũng là một trong những ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR trong quý 1 năm nay, cải thiện mạnh từ mức 40% xuống 31,6%. Chi phí hoạt động của nhà băng này giảm 8% so với cùng kỳ xuống còn 2.507 tỷ đồng, trong khi thu nhập hoạt động tăng 15,6% lên 7.920 tỷ đồng.
Thống kê từ BCTC của 28 ngân hàng cũng cho thấy hiện nay tỷ lệ CIR có sự phân hóa đáng kể. Có những ngân hàng hoạt động hiệu quả có CIR trung bình quanh mức 30% như VIB, ACB, Techcombank, MB,…. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng có chi phí hoạt động chiếm gần một nửa tổng thu nhập.
Không chỉ trong năm 2023 mà giảm CIR là mục tiêu dài hạn của các ngân hàng. Đây là một chỉ số quan trọng đo lường việc các nguồn lực của nhà băng được sử dụng như thế nào để đạt được khối lượng đầu ra. Tỷ lệ CIR càng thấp được coi là càng tốt. Ngược lại, tỷ lệ này càng cao cho thấy chi phí hoạt động của ngân hàng đang trở thành gánh nặng làm thu hẹp khả năng sinh lời.
Chuyển đổi số là chìa khóa
Trên thực tế, giảm chi phí hoạt động là điều rất khó do ngân hàng phải liên tục đầu tư để mở rộng quy mô và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Do đó, vấn đề đặt ra là ngân hàng sẽ tìm cách sao cho tăng trưởng chi phí thấp hơn so với thu nhập, tức việc đầu tư có hiệu quả cao, được coi là tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Điều này đòi hỏi sự cải tổ mạnh mẽ về mô hình vận hành của các ngân hàng. Những năm gần đây, cấu trúc tổ chức nhà băng cũng đã hướng tới sự gọn gàng, song song với các chương trình tự động hóa quy trình và tăng cường giao dịch số. Đó cũng là lý do mà họ đổ rất nhiều tiền vào đầu tư công nghệ và xem chuyển đổi số là một trong những “chìa khóa” quyết định để giảm CIR.
Điển hình như TPBank có mô hình LiveBank, cung cấp các dịch vụ cơ bản của một phòng giao dịch. Điểm giao dịch tự động có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn nhiều so với phòng giao dịch truyển thống mà vẫn có hiệu quả cao, tiếp cận được nhiều người dùng và hoạt động 24/7.
Hay VIB tiên phong trong ứng dụng công nghệ AI, sinh trắc học và nhiều công nghệ nổi bật khác như cloud – native, thực tế tăng cường (AR),… để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ từ sớm đã giúp ngân hàng này nhanh chóng tăng trưởng phân khúc bán lẻ. Tỷ lệ giao dịch trên kênh số tại VIB hiện nay đạt đến 93%. Trong khi chi phí cho mỗi giao dịch trên ngân hàng số thấp hơn nhiều so với tại phòng giao dịch đã giúp ngân hàng tối ưu hóa hoạt động.
Chuyển đổi số cũng giúp cải thiện năng suất lao động của nhân viên, giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ và rút ngắn quy trình. Thay vì ồ ạt tuyển dụng như giai đoạn trước đây, các ngân hàng cũng tập trung vào việc đào tạo nhân sự, thu hút nhân tài để nâng cao năng suất của mỗi cán bộ nhân viên.
Tuy nhiên, tỷ lệ CIR cũng có tính thời điểm, có thể tăng cao khi ngân hàng cần thiết phải đầu tư công nghệ, hạ tầng và con người để thúc đẩy tăng trưởng. Nếu việc đầu tư này có hiệu quả thì tỷ lệ CIR sẽ xuống thấp trong dài hạn, là động lực cho ngân hàng tăng trưởng bền vững.
Nguyễn Tuyên
Nguồn: Báo lao động thủ đô