Nhiều mục tiêu lớn đặt ra từ việc điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tầm nhìn 2060
(Xây dựng) – Nhiều mục tiêu lớn đặt ra từ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này. Sau 13 năm thực hiện, chiếc áo quy hoạch cũ đã chật, cần thay đổi để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của một thành phố lớn, năng động nhất cả nước. Một đồ án điều chỉnh mới đang được gấp rút triển khai trong sự kỳ vọng của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ngoạn mục, vươn lên mang dáng dấp của một “siêu đô thị” hiện đại. |
Gấp rút “thay áo mới”
Sau 13 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng phê duyệt, thành phố đả phát triển mạnh mẽ, tốc độ về nhiều mặt. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Vì thế, từ năm 2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực thi Quy hoạch chung. Trên có sở đó đã trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Tổng thể Quy hoạch chung Thành phố. Ngày 14/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1528/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Mục tiêu là điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng Thành phố, hướng tới phát triển Thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay, như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 2.095km2 và khu vực biển Cần Giờ (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án).
Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố và các tỉnh xung quanh thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.404km2. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2040, dân số toàn Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 13 – 14 triệu người; quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 – 110.000ha.
Một trong những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch là xác định tính chất, tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển đô thị, trong đó, xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng: “Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương; có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Mục tiêu là điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng Thành phố, hướng tới phát triển Thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo… |
Định hướng chiến lược rõ ràng
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW Ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Tới năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Tới năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, củng cố vững chắc.
Tập trung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách… |
Tập trung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao…
Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Riêng đối với công tác Quy hoạch đô thị, các Nghị quyết của Bộ chính trị cũng đã chỉ ra một số định hướng lớn như sau: Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đa trung tâm nhằm giảm áp lực dân số, hạ tầng, bảo toàn cảnh quan khu vực nội thành cũ, trên cơ sở phát triển kết nối vùng, gắn với mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị
Hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của Vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Phát triển các khu kinh tế gắn với các đô thị trọng điểm và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực.
Sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau di dời để ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Chuyển đổi chức năng khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất không phù hợp quy hoạch.
Hiện nay, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đang được đơn vị tư vấn nghiên cứu hết sức khẩn trương. Thành phố đã tổ chức Hội nghị báo cáo lần thứ 3 và nghiêm túc giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp, tranh luận sôi nổi, chuyên môn sâu. Đồng thời, thành phố yều cầu đơn vị tư vấn phối hợp thống nhất về dữ liệu, dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan với quá trình lập Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác đang được lập. Qua đó, đồ án cũng tích hợp và khớp nối với Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 1538/QĐ-Ttg ngày 16/9/2021.
Với nhiều mục tiêu lớn, định hướng chiến lược rõ ràng được đặt ra cho thấy sự kỳ vọng vào đồ án điều chỉnh lần này. Sau khi đồ án được đưa ra lấy ý kiến dân cư, thành phố sẽ trình Bộ Xây dựng xem xét.
Nguồn: Báo xây dựng