Nhiều khu là nghĩa trang, xử lý chất thải… nay bao vây bởi khu đô thị mới
Nhiều khu là nghĩa trang, xử lý chất thải… nay bao vây bởi khu đô thị mới
Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – sự phát triển quá nhanh có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn.
Mở bán nhà ở xã hội, ô tô xếp hàng mua
Phát biểu tại hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” diễn ra sáng nay (31/12), ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – cho rằng việc xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới sự bền vững còn hạn chế.
Đáng chú ý theo vị này, sự phát triển quá nhanh có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu trước đây được xác định là khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt… nay bị bao vây bởi các khu đô thị mới.
Tại nhiều đô thị có các khu công nghiệp phát triển ở khu vực ven đô thì hệ thống nhà ở công nhân còn thiếu tiện ích, hạ tầng xã hội vì nằm xa trung tâm, ông Chính nhấn mạnh.
Ông Chính cũng chỉ ra rằng phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm.
“Quỹ đất 20% để thực hiện nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai. Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây nhà công nhân”, ông Chính cho biết.
Cũng theo vị này, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để mua còn khắt khe, mức thu nhập công nhân còn thấp nên không thể mua, thuê được nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội bây giờ theo ông Chính, phải tính cho cả công nhân, sinh viên, trí thức…
Tuy nhiên vấn đề vị chuyên gia này đặt ra, đó là thời gian qua nhà ở xã hội đã đến đúng đối tượng chưa? “Tôi nghe trước đây nhiều nơi mở bán nhà ở xã hội mà ô tô xếp hàng dài mua. Người giàu mới có ô tô mà lại mua nhà ở xã hội?”, ông Chính băn khoăn.
Theo vị này, trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư, tác động lớn tới nền kinh tế.
Nhà ở công nhân – rất thiếu
Ông Phan Trọng Hiếu – Trưởng phòng Quản lý thi công và khai thác tài sản – Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn cho biết, tính đến tháng 9/2021 cả nước mới hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội với quy mô 142 nghìn căn, chỉ đạt 56,8% so với mục tiêu đặt ra.
Ông Hiếu cũng cho rằng, làn sóng người lao động về quê do lo dịch bệnh cho thấy họ vẫn chưa được an cư. Trong khi đó việc triển khai đề án về thiết chế công đoàn gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư.
“Có khu trọ gần khu công nghiệp ở Bắc Giang có tới cả chục nghìn công nhân”, ông Hiếu nêu thực tế. Theo ông Hiếu, hiện nay cơ quan này đã triển khai được 1 số thiết chế công đoàn. Trong đó, có 30 địa phương đã giới thiệu địa điểm. 10 dự án phê duyệt quy hoạch 1/500. 18 dự án đang chuẩn bị. 3 dự án đã và đang thực hiện.
“Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, Tổng liên đoàn lao động đã kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5-10 khu nhà ở cho công nhân, đáp ứng cho số lượng gần 100.000 công nhân được thuê nhà tại các địa phương được bố trí đất với một số cơ chế đặc thù”, ông Hiếu cho biết.
Tại hội thảo, ông Trần Đức Lợi – Tổng giám đốc Tập đoàn Sakae Việt Nam – đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình tại Việt Nam về nhà ở công nhân dựa trên sự nghiên cứu những điểm tương đồng với thị trường Singapore.
Theo vị này, việc áp dụng mô hình phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư tương đồng như đã thực hiện tại Singapore sẽ khả thi cao và đem lại lợi ích lớn cho các địa phương tham gia. Đặc biệt mô hình này sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cùng tham gia vào lĩnh vực phát triển nhà ở cho đối tượng này.
Ông Lợi cho biết, hiện nay đa số công nhân phải sống trong điều kiện rất vất vả, khổ sở. Đối tượng công nhân rất dễ bị tổn thương dù họ là lực lượng rất quan trọng trong nền kinh tế. Số lượng nhà ở cho công nhân rất thiếu so với thực tế, mới đáp ứng 330.000 người./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị