Nhiều kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Đề án 996 năm 2022
Những kết quả nổi bật trong năm 2022
Ngày 10 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Một số mục tiêu chính của Đề án có thể nêu ra là: Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid -19 và các yếu tố suy giảm kinh tế – xã hội, song, hoạt động triển khai vẫn được đẩy mạnh rộng khắp từ trung ương đến địa phương. Nhìn lại chặng đường triển khai thực hiện Đề án trong năm 2022 có thể nêu một số kết quả nổi bật như sau:
Đổi mới chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục nhập khẩu của doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BKHCN ngày 28 tháng 7 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 quy định kiểm tra nhà nước về đo lường. Theo đó đã bãi bỏ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông quan, lấy mẫu để thử nghiệm và hoàn thành việc phê duyệt mẫu theo quy định.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị sạc điện cho xe điện thực hiện đúng quy định của Luật Đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu đưa thiết bị sạc điện cho xe điện vào danh mục phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN; xây dựng văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về thử nghiệm phê duyệt mẫu, kiểm định thiết bị sạc điện cho xe điện trong thời gian tới.
Về duy trì và phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường, nhằm phát triển chuẩn đo lường quốc gia ngang tầm khu vực, thể giới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” và trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong năm 2023.
Công tác phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường luôn được chú trọng.
Mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, tính đến nay đã xây dựng và hình thành mạng lưới thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm 564 tổ chức đăng ký, 385 tổ chức được chỉ định với khoảng 4800 kiểm định viên đang hoạt động được chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường, khoảng 7300 chuẩn đo lường được đầu tư, trang bị để dùng trực tiếp kiểm định phương tiện đo nhằm cung cấp các dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo độ chính xác về đo lường của 40 triệu phương tiện đo đang sử dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống.
Các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật cho cán bộ làm công tác đo lường của doanh nghiệp luôn được quan tâm tổ chức, có nhiều chuyển biến rõ nét. Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức 227 khóa đào tạo nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cho 420 doanh nghiệp với 1324 học viên; Tổ chức 25 khóa bồi dưỡng chuyên môn nâng cao nghiệp vụ kỹ thuật đo lường cho 311 học viên thuộc 63 doanh nghiệp.
So với cùng kỳ năm 2021 các khóa đào tạo đã tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp, học viên tham dự. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng khác thuộc lĩnh vực đo lường là 32 khóa đào tạo cho 981 lượt học viên của 118 đơn vị/ tổ chức trong cả nước. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn luôn sát với nhu cầu của doanh nghiệp với hình thức giảng dạy đa dạng (trực tuyến, trực tiếp) nên ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Về hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL đã kiểm định, hiệu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm hơn 164 nghìn phương tiện đo, chuẩn đo lường đang sử dụng tại 8650 doanh nghiệp trên cả nước. Hoạt động này góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Hướng dẫn và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp với mô hình hỗ trợ xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp ở một số địa phương như tỉnh Thái Nguyên, Bình Định, tỉnh Bắc Giang, Thừa Thiên Huế được đánh gia cao.
Công tác khảo sát nhu cầu tham gia Chương trình đảm bảo đo lường đã tiến hành tại 941 tổ chức, doanh nghiệp do các địa phương thực hiện. Ở Trung ương có 382 tổ chức, doanh nghiệp được khảo sát thông qua các hội nghị, hội thảo. Qua khảo sát các doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết, lợi ích của Chương trình đảm bảo đo lường do đó đã có 157 doanh nghiệp đăng ký xây dựng chương trình và hiện nay Tổng cục TCĐLCL đang tích cực triển khai công tác tư vấn, đào tạo để triển khai chương trình cho các cán bộ thuộc doanh nghiệp đăng ký.
Đánh giá và phương hướng trong thời gian tới
So với năm 2021, nhiều nhiệm vụ của Đề án bắt đầu mang lại kết quả tích cực, cụ thể như: Các địa phương đều có những hoạt động tuyên truyền trên đài phát thanh- truyền hình địa phương, cổng thông tin điện tử địa phương và Sở Khoa học và Công nghệ; Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo đo lường thông qua công tác kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được đẩy mạnh, có hiệu quả đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai Chương trình đảm bảo đo lường với các hình thức đa dạng, đổi mới cách thức thực hiện; Công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đo lường tăng mạnh số lượng học viên, doanh nghiệp tham gia với nhiều nội dung đổi mới, sát với thực tế.
Để phát huy kết quả đạt được trong năm tới phương hướng cần tập trung nhân rộng mô hình xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp ở một số địa phương, bộ, ngành trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực điện, nước, xăng dầu, sản xuất hàng đóng gói sẵn; Tập trung đào tạo tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn ở các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai chương trình so sánh liên phòng đối với phép đo hiệu chuẩn chuẩn đo lường, phương tiện đo; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, rà soát năng lực của các tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường; Phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp để xác định nhu cầu, vận động, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình đảm bảo đo lường; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 996; Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; tăng cường hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp điển hình.
Trung Dũng – Vụ Đo lường