Nhiều hộ dân tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế chưa đồng thuận: Huyện Bình Chánh nói gì?

(Xây dựng) – Liên quan đến phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại đường Nguyễn Cửu Phú (ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), thuộc diện giải toả của Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế về việc: Pháp lý dự án có nhiều khúc mắc, thu hồi đất không rõ ràng, đền bù giá thấp… UBND huyện Bình Chánh đã có thông tin phản hồi.

Nhiều hộ dân tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế chưa đồng thuận: Huyện Bình Chánh nói gì?
Toàn cảnh Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Nhựt và Tân Nhựt.

9 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, giao mặt bằng

Theo UBND huyện Bình Chánh, đến nay Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Nhựt và Tân Nhựt đã được giao mặt bằng cho chủ đầu tư với diện tích là 323.681.9m2/333.208m2, đạt tỷ lệ 97,14%.

Hiện còn 09 hộ dân sống tại vị trí dọc mặt tiền đường Nguyễn Cửu Phú chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2), với diện tích là 9.526,1m2 (chiếm tỷ lệ là 2,86%).

Thông tin về ranh thu hồi đất, UBND huyện Bình Chánh cho biết: Căn cứ Công văn số 485/UBND-ĐTMT ngày 01/02/2010 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng Dự án Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Nhựt và Tân Nhựt. Trong đó, vị trí ranh giới khu đất được xác định theo Bản đồ vị trí số 2260/VPĐK do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh lập ngày 14/12/2009.

Trên cơ sở đó, UBND Binh Chánh đã họp dẫn, công khai vị trí, ranh, diện tích thu hồi đất của dự án và triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ theo đúng ranh dự án.

Nhiều hộ dân tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế chưa đồng thuận: Huyện Bình Chánh nói gì?
Nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường và giao mặt bằng cho Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) vì cho rằng nhiều khúc mắc chưa giải quyết.

Mặt khác, Công văn số 3110/UBND-DTMT ngày 19/5/2008 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là văn bản chấp thuận chủ trương. Còn việc thực hiện thu hồi đất theo vị trí và bản đồ ranh thu hồi đất đã được xác định ban hành kèm theo Công văn số 485/UBND-ĐTMT ngày 01/02/2010 của UBND Thành phố là cơ sở pháp lý được áp dụng xuyên suốt từ khi thực hiện dự án đến nay.

Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ người dân, UBND Bình Chánh cho biết: Căn cứ Quyết áđịnh của Thành phố về phê duyệt đơn giả để áp giá bồi thường, hỗ trợ. Đối với 09 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng với số tiền 53,569 tỷ đồng.

Theo UBND huyện Bình Chánh: Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 06 trường hợp.

Đối với 09 trường hợp chưa đồng ý ký hồ sơ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng, UBND huyện Bình Chánh đã lập hồ sơ bồi thường năm 2013, tiến hành đối thoại, đổ chức vận động từ 5 đến 9 lần, đã ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất, điều chỉnh thời gian thực hiện 07 lần để người dân xin tự nguyên bản giao mặt bằng sau khi được vận động.

Với 09 hộ trên, Hội đồng bồi thường dự án xét đủ điều kiện bố trí tái định cư cho 06 hộ do có nhà ở, đất ở bị giải tỏa trắng.

Còn về nguyện vọng của các hộ dân đề nghị giữ lại 100m (từ Nguyễn Cửu Phú đi vào) để tái định cư tại chỗ, UBND huyện Bình Chánh cho biết đã đã tổng hợp và có báo cáo UBND Thành phố, Sở, ngành xem xét. Tuy nhiên, UBND Thành phố đã kết luận không có cơ sở xem xét.

Người dân muốn làm rõ nhiều khúc mắc trong thu hồi đất?

Với những chính sách thu hồi, bồi thường trên, nhiều hộ dân thuộc diện phải giải toả tại Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) không đồng thuận và đặt ra nhiều vấn đề khúc mắc yêu cầu chính quyền phản hồi thoả đáng.

Nhiều hộ dân tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế chưa đồng thuận: Huyện Bình Chánh nói gì?
Nhiều người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng tại Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) với nhiều lí do khác nhau.

Cụ thể, về vấn đề quy hoạch: Theo người dân, ngày 27/12/2007, UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 6768/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư phía Tây đường Nguyễn Cửu Phú (khu II) tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (diện tích 184ha).

Ngày 19/5/2008, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 3110/UBND-ĐTMT về việc chọn vị trí xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với diện tích là 31,12ha tại xã Tân Kiên. Đến ngày 15/6/2008, UBND Thành phố có Văn bản số 3793/UBND-ĐTMT chỉ đạo nhiều Sở, ngành liên quan và UBND huyện Bình Chánh triển khai nhiều nội dung để thực hiện dự án.

Ngày 1/2/2010, UBND Thành phố lại có Văn bản số 485/UBND-ĐTMT chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y tế tại khu đất có diện tích hơn 33,3ha tại xã Tân Kiên và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Tại văn bản này, UBND Thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ra thông báo về chủ trương thu hồi đất theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ…

Ngày 29/11/2012, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 6768/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư phía Tây đường Nguyễn Cửu Phú (khu II) tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (diện tích 184ha).

“Năm 2007, UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định công nhận khu đất chúng tôi đang ở là khu dân cư nhưng đến năm 2012, lại thu hồi quyết định này. Năm 2008, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhưng đến năm 2010 lại thay đổi thành Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y khác. Vậy việc thực hiện dự án này có căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được HĐND Thành phố phê duyệt trước đó hay không?”, người dân thắc mắc.

Về chủ trương thực hiện dự án, người dân cho rằng, sau khi ban hành Văn bản số 3110/UBND-ĐTMT, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (quy mô chỉ 31,12ha) được thể hiện thông qua nhiều văn bản.

Vậy những văn bản này có được coi là cơ sở pháp lý không? Tại sao lại không triển khai thực hiện Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với quy mô 31,12ha?

Bên cạnh đó, nội dung của Văn bản số 485/UBND-ĐTMT (năm 2010) của UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y tế tại khu đất có diện tích hơn 33,3ha có nhiều điểm tương đồng, giống với nội dung Văn bản số 3793/UBND-ĐTMT (năm 2008) của UBND Thành phố (quy mô dự án là 31,12ha).

Nhiều hộ dân tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng và các dự án khác của ngành Y tế chưa đồng thuận: Huyện Bình Chánh nói gì?
Dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) vẫn chưa thực hiện xong vì vướng mắc giải phóng mặt bằng.

“Nếu UBND huyện Bình Chánh cho rằng, Văn bản số 3110/UBND-ĐTMT ngày 19/5/2008 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là văn bản chấp thuận chủ trương, còn Văn bản số 485/UBND-ĐTMT ngày 1/2/2010 của UBND Thành phố là cơ sở pháp lý được áp dụng xuyên suốt từ khi thực hiện dự án đến nay thì việc thay đổi, điều chỉnh quy mô, mục tiêu của chủ trương căn cứ theo quy định nào? Việc thay đổi như vậy có đúng theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định không?”, người dân đặt câu hỏi

Về thời điểm thu hồi đất, theo người dân, năm 2017, Thủ tướng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2).

Vì vậy, việc thu hồi đất cho Dự án Xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) đã được chính quyền thực hiện từ năm 2012, 2013 là không đúng?

Người dân còn cho biết, theo Văn bản số 485/UBND-ĐTMT ngày 1/2/2010 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y tế, UBND Thành phố có chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ra thông báo về chủ trương thu hồi đất theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ… Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh không thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố theo các chủ trương trên?

Với những khúc mắc trên, mặc dù Quyết định cưỡng chế đã được ban hành nhưng nhiều người dân đến nay vẫn chưa đồng thuận giao mặt bằng để thực hiện Dự án Xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2).

“Chúng tôi đã mất rất nhiều đất cho Dự án Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các dự án khác của ngành Y tế tại xã Tân Nhựt và Tân Kiên. Nguyện vong của người dân là được giữ lại 100m, từ Nguyễn Cửu Phú đi vào để tái định cư tại chỗ nhưng lại không được chấp nhận trong khi theo bản đồ quy hoạch chi tiết, phần đất này phía Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2) chỉ dành để làm bãi xe, và một số tiện ích phụ. Vậy bằng mọi giá chủ đầu tư phải lấy bằng được số diện tích đất này liệu có tàn nhẫn với người dân không”, một người dân trần tình.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích