Nhiều hãng sản xuất vắc xin chạy đua để chống lại biến thể Covid-19 mới
Cuối tuần trước, Cơ quan An ninh y tế của Anh đã đưa ra một báo cáo trong đó cho biết: “Một biến thể Delta mới được ghi nhận là AY.4.2 (còn gọi là Delta plus) đang lây lan ở Anh và họ đang theo dõi biến thể này, bao gồm các đột biến đối với protein gai (A222V và Y145H) mà virus corona sử dụng để xâm nhập vào tế bào của con người”.
Được coi là họ hàng gần của biến thể Delta, Delta plus (hay AY.4.2.) được các nhà khoa học Anh xác định vào tháng trước. Tuy nhiên, do biến thể này chưa gây ra tình trạng khẩn cấp nên nó vẫn chưa được đặt tên chính thức theo chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, giống như những biến thể khác trước đây.
Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền học thuộc Đại học College London (Anh), cho biết biến thể Delta plus có 2 đột biến ở protein gai (spike protein), giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào con người.
Theo tạp chí Nature, cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa xác định biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lẩn tránh miễn dịch được tạo bởi các vắc xin thế hệ đầu tiên hay không. Dù vậy, Pfizer và các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lớn khác đang chuẩn bị cho kịch bản đó.
“Chắc chắn một lúc nào đó chúng ta sẽ phải tạo ra các loại vắc xin chống các biến thể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa ở thời điểm có thể tự tin dự đoán trước sự tiến hóa của virus. Thực nghiệm với các biến thể đã biết là một cách tiếp cận hợp lý”, ông Paul Bieniasz – nhà virus học tại ĐH Rockefeller (Mỹ) – nhận định.
Theo Nature, trong những tháng qua, Pfizer, Moderna và AstraZeneca đang thực nghiệm điều chỉnh vắc xin dựa trên những biến thể SARS-CoV-2 đã biết như Beta và Delta, thử nghiệm chúng trong các nghiên cứu lâm sàng.
Mục tiêu là rút tỉa kinh nghiệm để khi cần thiết họ có thể nhanh chóng phát triển loại vắc xin chống biến thể mới có khả năng lẩn tránh miễn dịch.
Cho đến nay, các vắc xin của Pfizer, Moderna và AstraZeneca – dựa trên virus SARS-CoV-2 gốc được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc – vẫn hiệu quả tốt trước tất cả các biến thể đã biết, ít nhất là trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.
Nếu một biến thể có khả năng lẩn tránh miễn dịch xuất hiện, các nhà sản xuất vắc xin công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna có thể thiết kế và tổng hợp một liều vắc xin thử nghiệm ban đầu chống biến thể đó trong vòng vài ngày, theo Nature.
Tháng 6 vừa qua, ông Albert Bourla – giám đốc điều hành Pfizer – đã cam kết là nếu có nhu cầu về vắc xin COVID-19 mới, Pfizer có thể phát triển một loại mới sẵn sàng sử dụng trong vòng 100 ngày. Các vắc xin công nghệ vector virus, như AstraZeneca, có thể theo kịp ngay sau đó.
Tuy nhiên, trước khi các vắc xin thế hệ mới có thể được triển khai cho công chúng, chúng cần được thử nghiệm trên người và điều này mất nhiều thời gian. Do đó, để chuẩn bị tốt, các hãng dược đang thử nghiệm với các biến thể đã biết.
Theo Nature, Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) đang thử nghiệm vắc xin đặc biệt chống biến thể Beta với sự tham gia của 930 tình nguyện viên. Tháng 8 vừa qua, họ đã thử nghiệm vắc xin đa mục tiêu nhắm đến biến thể Delta và Alpha.
“Chúng tôi không làm điều này vì chúng tôi nghĩ chúng ta cần một vắc xin mới cho các biến thể đó. Chúng tôi chỉ muốn nhanh chóng sẵn sàng một khi phát hiện một biến thể thật sự lẩn tránh miễn dịch do vắc xin tạo ra”, ông Philip Dormitzer – giám đốc khoa học tại Pfizer – giải thích.
Trong khi đó, Moderna (Mỹ) đang tuyển các nhóm 300-500 người để thử các vắc xin mRNA mới chống lại biến thể Beta, Delta và một loại chống Beta và virus gốc. Công ty cũng có kế hoạch thử nghiệm vắc xin đa mục tiêu chống Beta và Delta.
Tiến sĩ Jacqueline Miller – phó chủ tịch cấp cao và đứng đầu nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Moderna – cho biết mục đích là để nộp dữ liệu các thử nghiệm trên cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), và “thiết lập một quy trình để có thể phát triển vắc xin mới nhanh hơn trong tương lai”.
Mặt khác, AstraZeneca (Anh) đã tiến hành một nghiên cứu lớn về vắc xin vector virus chống Beta. Nghiên cứu bắt đầu từ tháng 6 vừa qua với sự tham gia của hơn 2.800 người, trong đó nhiều người đã tiêm vắc xin công nghệ mRNA hoặc vector virus thế hệ đầu tiên.
Các hãng dược tập trung vào biến thể Beta do nó mang các đột biến giúp nó có thể thoát khỏi các kháng thể tấn công vào một số bộ phận của virus hơn bất kỳ biến thể đã biết nào khác.
Dù vậy, việc xác định hiệu quả thực tế của các loại vắc xin nhắm vào các biến thể cụ thể là rất khó. Một phần do khó tìm được tình nguyện viên chưa tiêm chủng nhưng lại sẵn sàng thử nghiệm một vắc xin COVID-19 mới. Một phần khác liên quan đến vấn đề đạo đức đối với nhóm tiêm giả dược tham gia thử nghiệm.
Thêm một khó khăn nữa là vẫn chưa rõ làm thế nào để giới chức y tế xác định một biến thể có khả năng lẩn tránh miễn dịch và do đó thế giới cần một vắc xin COVID-19 mới.
An Dương (T/h)