Nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cơ chế, chính sách rộng mở cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo thông tin từ Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Nhiều mô hình, ý tưởng KNĐMST đã thành công, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tạo nhiều sản phẩm đặc trưng, việc làm, thu nhập cho người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển trong điều kiện thị trường cạnh tranh khắc nghiệt.
Khác với những chương trình khởi nghiệp truyền thống, KNĐMST dựa trên một công nghệ mới hoặc tại ra một hình thức kinh doanh mới, được xây dựng trên nền tảng bắt đầu từ ý tưởng, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường… nhằm tạo ra sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao, có sự khác biệt với sản phẩm cùng loại và mang lại giá trị gia tăng cao.
Cụ thể, ngày 5/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản số 783/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018, Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 5321/KH-UBND ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh về Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Nhằm cụ thể hóa các chương trình, đề án UBND tỉnh, các cấp, các ngành chú trọng thúc đẩy phong trào KNĐMST nhằm khuyến khích phát triển, đổi mới tư duy sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
Trong đó, Sở KH&CN đã đẩy mạnh truyền thông về KNĐMST bằng nhiều hình thức khác nhau như: mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm xây dựng, phát triển mạng lưới cố vấn, huấn luyện viên KNĐMST của tỉnh; Tổ chức các hội nghị, hội thảo về xây dựng hệ sinh thái KNĐMST nhằm định hướng công tác tham mưu xây dựng hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh; Đăng tải rất nhiều tin, bài truyền thông nâng cao nhận thức về KNĐMST trên các bản tin, tập san, trang thông tin điện tử của trung ương và các tỉnh miền núi phía Bắc; Xây dựng kịch bản và phát sóng các phóng sự về khởi nghiệp, các bài học thất bại, tấm gương thành công, chính sách nhà nước về khởi nghiệp …. Thông qua đó, đã truyền cảm hứng, lan toả tinh thần KNĐMST cho các doanh nghiệp, cho cán bộ, thanh niên, sinh viên để hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần KNĐMST trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh hoạ
Những kết quả nổi bật
Để hỗ trợ hoạt động KNĐMST, từ năm 2018 đến nay, Bộ KH&CN cũng đã giao cho Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH&CN, Sở KH&CN Phú Thọ triển khai thực hiện 03 nhiệm vụ thuộc Đề án 844 của Chính phủ về Hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái KNĐMST quốc gia. Cụ thể, truyền thông cho hệ sinh thái KNĐMST; Nâng cao năng lực hỗ trợ hoạt động của mạng lưới huấn luyện viên/cố vấn KNĐMST; Nâng cao năng lực, xây dựng mạng lưới, hỗ trợ hoạt động liên kết các tổ chức, cá nhân truyền thông cho KNĐMST”.
Đã tổ chức thành công hoạt động Impact Techfest Phú Thọ 2019 – Ngày hội KNĐMST các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc diễn ra vào tháng 12/2019, kết nối hệ sinh thái KNĐMST của các tỉnh miền núi phía bắc, quy tụ 30 startup tiêu biểu nhất của vùng, các chuyên gia, quỹ đầu tư, các nhà quản lý.
Cùng với Sở KH&CN, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức chương trình hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc tổ chức tập huấn và hỗ trợ hội viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Trong đó Hội LHPN tỉnh liên tiếp tổ chức thành công “Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” với các chủ đề hoạt động thiết thực khuyến khích hội viên có ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp nữ mới khởi nghiệp. Do đó, phong trào khởi nghiệp đã phát triển mang tính sáng tạo cao với nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh cũng tổ chức diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp – Cơ hội và thách thức”; tổ chức ra mắt ban tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên để tư vấn, hỗ trợ đồng hành với thanh niên trong vấn đề giải quyết việc làm… Bên cạnh đó, nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn phát động đến các huyện, thị, thành Đoàn trong tỉnh để lựa chọn những ý tưởng, dự án tiêu biểu.
Dự án khởi nghiệp “Bamboo-sản phẩm tre Việt” của anh Vũ Anh Văn (sinh năm 1994)- khu 1, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy được Tỉnh đoàn đánh giá là một trong những điển hình của hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Trước khi bén duyên với các sản phẩm từ tre, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, anh Văn đã là trong những thành viên sáng lập ra Công ty CP Nông nghiệp An Tâm chuyên cung cấp thực phẩm an toàn cho hệ thống bếp ăn bán trú các trường học và siêu thị trên địa bàn tỉnh. Với kiến thức được học cùng với ý tưởng đổi mới, sáng tạo, từ giữa năm 2019, Văn đã tìm hướng đi riêng bằng việc khai thác tiềm năng của cây tre.
Anh cho biết: “Gia đình tôi đã có kinh nghiệm sản xuất lồng chim bằng tre, do đó ít nhiều cũng có kiến thức. Trước khi bắt tay vào sản xuất, tôi đã tìm kiếm vùng nguyên liệu, học hỏi kinh nghiệm tại một số cơ sở sản xuất ở các tỉnh bạn, tích cực tham khảo ý kiến các chuyên gia tại Trường Đại học Nông nghiệp và Đại học Lâm nghiệp. Lúc đầu sản xuất cũng gặp phải một số trở ngại như cách xa vùng nguyên liệu, nhân công chưa có tay nghề, trang thiết bị còn thiếu, tuy nhiên những khó khăn này dần được khắc phục”.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của Văn đã cung ứng cho thị trường mỗi tháng trên 3.000 sản phẩm các loại như cốc uống nước, bình đựng nước, ống hút, bút, thớt, thìa, muôi… tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tháng 3 năm 2020, anh được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Tỉnh đoàn và được lựa chọn là 1 trong 5 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu của đoàn viên thanh niên gửi về Sở KH&CN để xem xét hỗ trợ dự án.
Ra đời trong phong trào thanh niên nông thôn khởi nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Thanh niên Phú Dương (HTX Phú Dương) ở xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh do Ngô Minh Hồng làm giám đốc được đánh giá là một trong những HTX tiêu biểu của thanh niên hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới.
Theo đó, HTX Phú Dương đã liên kết với HTX rau an toàn Tứ Xã, Công ty thực phẩm GOC, huyện Lâm Thao cùng khép kín quy trình đầu vào-đầu ra cho các sản phẩm phân giun quế, sắn dây, rau an toàn… Qua quá trình hoạt động, HTX Phú Dương đã được các cấp, các ngành biết đến không chỉ ở hiệu quả tài chính mà còn là đơn vị tích cực tham gia giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Ngô Minh Hồng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Anh là một trong những thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.
Với việc đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo điểm khác biệt trong từng sản phẩm đã giúp những nhà đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp đứng vững trên thị trường, khẳng định vai trò của đổi mới sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp cũng như sự hỗ trợ động viên kịp thời của các ngành, các địa phương. KNĐMST đang thực sự là động lực thay đổi tư duy lập nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm giàu.
Bảo Lâm