Nhiều giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường (Bài 1)

Nhiều giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường (Bài 1)

Nhiều giải pháp đã được ngành Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng đưa ra gần đây nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường trong tỉnh.

Bài 1: Từng bước hoàn thiện về dữ liệu môi trường 

Lâm Đồng đang từng bước hoàn thiện dữ liệu về môi trường; lồng ghép quy hoạch bảo vệ môi trường cùng quy hoạch kinh tế – xã hội; ban hành và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đồng thời, tăng cường quản lý chất thải để bảo vệ môi trường.

Cấp thùng rác cho mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cát Tiên tổ chức
Cấp thùng rác cho mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cát Tiên tổ chức

• ĐỊNH KỲ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Lâm Đồng, để kiểm soát và giảm ô nhiễm môi trường, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ rất quan trọng.

Cho đến nay, ngành chức năng tỉnh đang từng bước hoàn thiện dữ liệu về môi trường này. Các thông tin về thành phần môi trường, tác động đối với môi trường, chính sách và pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường đều được điều tra đánh giá theo định kỳ.

Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh hằng năm tiến hành quan trắc các thành phần môi trường như đất, nước mặt, nước ngầm, không khí xung quanh tại nhiều điểm trên địa bàn tỉnh phục vụ cho việc quản lý môi trường; dự báo hiện trạng môi trường và hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội cũng như cho công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Vào đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 88/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường định kỳ.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường, việc thu thập, quản lý thông tin môi trường trên địa bàn tỉnh nhờ triển khai đồng bộ nên phát huy hiệu quả nhất định trong quản lý, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải ra môi trường, góp phần cải tạo cảnh quan sinh thái, thể hiện được vai trò Lâm Đồng tại vị trí đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai.

Hiện nay đã có trên 5.000 hồ sơ môi trường được tỉnh phê duyệt; trên 95% cơ sở đầu tư mới đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngành chức năng tỉnh cũng công khai hóa thông tin về đánh giá tác động môi trường; việc giấy phép môi trường; thông tin về nguồn thải, chất thải và xử lý chất thải, cũng như kết quả thanh tra và kiểm tra về bảo vệ môi trường thông qua các trang thông tin điện tử của ngành, trong các cuộc đối thoại.

Thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đổi lấy quà tặng tại huyện Đạ Tẻh
Thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đổi lấy quà tặng tại huyện Đạ Tẻh

• LỒNG GHÉP CÙNG QUY HOẠCH KINH TẾ – XÃ HỘI

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc quy hoạch bảo vệ môi trường thực hiện ở cấp quốc gia nên ở cấp tỉnh, công tác bảo vệ môi trường được lồng ghép với quy hoạch kinh tế – xã hội. Hiện ngành chức năng tỉnh đang rà soát, sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, quản lý chất thải, quan trắc môi trường trên toàn tỉnh; xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững địa phương, phù hợp với từng thời kỳ.

Căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tỉnh đến nay đã bố trí vốn để xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt cấp tỉnh cùng xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh giai đoạn 2026-2030, được thực hiện trong năm 2024 với các nhiệm vụ như xác định thực trạng phân bố của các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường trong vùng tác động; phân vùng xả thải, xác định khả năng chịu tải, đề xuất mục tiêu và lộ trình giảm phát thải vào các đoạn sông nhằm cải thiện chất lượng môi trường.

Ngành chức năng tỉnh cũng cho rà soát, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lập quy hoạch tỉnh; thực hiện việc giao đất kịp thời để xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn khi dự án hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích quy hoạch đất bãi thải, xử lý chất thải toàn tỉnh là 222 ha, tăng 130 ha so với năm 2020.

• ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT

Theo bà Nguyễn Khánh Ngân, Chi cục Bảo vệ môi trường Lâm Đồng, quy định về Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương cần nghiêm ngặt hơn so với quốc gia hoặc đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường có tính đặc thù. Vì vậy, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, Lâm Đồng không ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường riêng cho địa phương mà áp dụng theo hình thức phân vùng môi trường trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, các nguồn thải phải được xử lý đạt cột A của quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT, QCVN 40:2011/BTNMT hoặc các quy chuẩn tương ứng khi xả thải vào các nguồn tiếp nhận.

Với vùng hạn chế phát thải, việc xả thải của các dự án thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và phải phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt. Các vùng còn lại, việc xả thải của các dự án thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn.

• TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Với chất thải rắn công nghiệp thông thường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh việc kiểm soát, quản lý được thực hiện thông qua thẩm định hồ sơ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động và công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm.

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, việc quản lý chất thải công nghiệp của tỉnh đến nay được thực hiện khá nghiêm túc, hầu hết các chất thải phát sinh tại các cơ sở, nhà máy sản xuất trong tỉnh đều được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại; trường hợp không thể phân loại được thì được quản lý nhóm chất thải này theo quy định về chất thải nguy hại. Công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh được các cơ sở thực hiện thông qua hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, đến nay đã có 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh đã có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc đang đầu tư, xây dựng để đưa vào vận hành sắp đến. Tại Đức Trọng đã quy hoạch Nhà máy Xử lý chất thải rắn tập trung với công suất xử lý 250 tấn rác thải/ngày; còn 3 huyện còn lại đang sử dụng biện pháp chôn lấp.

Ước tính, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Lâm Đồng hiện nay khoảng 581,3 tấn/ngày; ở nông thôn phát sinh khoảng 378,72 tấn/ngày: tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trung bình đạt khoảng 87-88%, trong đó TP Đà Lạt có tỷ lệ thu gom cao nhất, khoảng 99%; TP Bảo Lộc khoảng 80%, các đô thị khác trung bình đạt từ 65-90%. Tỷ lệ thu gom ở nông thôn đạt khoảng 79,69% tổng khối lượng phát sinh.

Riêng chất thải nguy hại phát sinh, đến nay ngành chức năng đã xử lý trên 456 tấn, chiếm tỷ lệ 83,49%; gần 100% chất thải y tế nguy hại trong tỉnh đã được thu gom, xử lý đúng quy định. Trong thu gom, xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh đến nay đã xây dựng được 2.881 bể chứa và 22 khu vực lưu chứa; đã thu gom được 130,5 tấn và xử lý được 120,670 tấn. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Đối với thoát nước, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 43/2023/QĐ-UBND ngày 20/7/2023 quy định về quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống thoát nước mặt trên địa bàn tỉnh được gắn liền với việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đường giao thông đô thị và nông thôn mới. Với nước thải, theo điều tra tỉnh đã tổng hợp số liệu 99 nguồn phát sinh nước thải lưu lượng lớn trên toàn tỉnh (trên 50 m3/ngày.đêm). Tại Đà Lạt, đã có trên 3,2 triệu m3 nước thải được đấu nối thu gom và xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải tập trung TP Đà Lạt (tỷ lệ bình quân đạt 270.198 m3/tháng).

Đến nay, ngành chức năng tỉnh đã cho lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động hồ thải quặng đuôi số 7 thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit – Nhôm Lâm Đồng nhằm kết nối, truyền dữ liệu liên tục về Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng để giám sát. Đồng thời, tỉnh cũng cung cấp IP tạm để truyền thử nghiệm dữ liệu và kiểm tra quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với Nhà máy Xử lý nước thải TP Đà Lạt.

Ngành chức năng tỉnh cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác quan trắc tự động, liên tục nước thải và khí thải đồng thời phối hợp các đơn vị cấp nước tiến hành khảo sát và lấy ý kiến đối với vị trí lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục đối với các hồ cấp nước sinh hoạt trong tỉnh.

(CÒN NỮA)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích