Nhiều giải pháp giúp người lao động vượt khó
Hỗ trợ kịp thời thông qua gói an sinh xã hội
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường, từ đầu tháng 5/2021, cũng như nhiều giáo viên khác, cô giáo Trương Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Mầm non Đức Trí, phường Phúc La (quận Hà Đông) phải nghỉ việc. “Là giáo viên ngoài công lập nên nghỉ dạy đồng nghĩa với việc tôi không có lương, tôi lại đang nuôi con nhỏ, không có điều kiện làm thêm nên mấy tháng qua không có nguồn thu nhập nào, cuộc sống rất khó khăn”.
Mới đây, thông qua Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hà Đông, cô Hiền đã được nhận hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội theo gói hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền trên 4,7 triệu đồng. Hôm được nhận trợ cấp, cô Hiền xúc động bộc bạch: “Sự quan tâm của các cấp chính quyền Thành phố thật kịp thời, đúng lúc. Số tiền này giúp tôi có thêm nguồn trang trải sinh hoạt trong thời gian vẫn còn phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo và mong muốn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như tôi cũng được hưởng sự quan tâm này”.
Trao hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm |
Cũng giống như cô giáo Hiền, nhiều tháng nay, cuộc sống của chị Đỗ Thị My, lao động tự do ở tổ dân phố 13, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
“Từ khi phải tạm dừng công việc bán hàng nước, gia đình tôi mất đi nguồn thu nhập, khiến cuộc sống của 3 thành viên vốn đã khó khăn, càng thêm khó khăn. Thật xúc động khi trong lúc khó khăn như thế này, chúng tôi đã được nhận khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng của Thành phố. Có thể với nhiều người, số tiền này là không lớn, nhưng với chúng tôi, những người lao động tự do thì đây là một khoản tiền rất có ý nghĩa, giúp trang trải cuộc sống trong những ngày khó khăn” – chị My chia sẻ khi được UBND phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy trao hỗ trợ trong ngày 6/8 vừa qua.
Chị Hiền, chị My chỉ là hai trong số hàng triệu lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh của Thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, với tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, thành phố Hà Nội đã đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho người lao động, người sử dụng lao động.
“Những ngày này 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đang khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nên các địa phương lựa chọn hình thức triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế để hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19”- ông Khánh cho biết.
Đến nay, toàn Thành phố đã có gần 1,46 triệu lao động được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ với nguồn kinh phí gần 100 tỷ đồng. Trong đó, gần 1,48 triệu lao động được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm; gần 27.000 lao động được hỗ trợ trực tiếp, có thêm nguồn kinh phí trang trải cho cuộc sống.
Nhiều địa phương đã chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hàng trăm lao động, như các quận, huyện: Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Mỹ Đức, Mê Linh, Đan Phượng, Gia Lâm…
Nhiều giải pháp hỗ trợ đặc thù
Ngoài các chính sách chung, thành phố Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đặc thù cho người lao động gặp khó khăn. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho 3.180 hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức các mô hình như “Chuyến xe buýt siêu thị 0 đồng”, trao “Túi An sinh Công đoàn” hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Đến nay, toàn thành phố đã có gần 1,46 triệu lao động được tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ với nguồn kinh phí gần 100 tỷ đồng. Trong đó, gần 1,48 triệu lao động được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm; gần 27.000 lao động được hỗ trợ trực tiếp, có thêm nguồn kinh phí trang trải cho cuộc sống. Nhiều địa phương đã chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hàng trăm lao động, như các quận, huyện: Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Mỹ Đức, Mê Linh, Đan Phượng, Gia Lâm… |
Các quận, huyện, thị xã cũng huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho người lao động và gia đình họ. Đặc biệt mới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, Thành phố quyết định sẽ hỗ trợ cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 mà chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố Hà Nội. Đồng thời, Thường trực HĐND Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021 trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Cùng với giải pháp hỗ trợ trước mắt, thành phố Hà Nội còn tạo điều kiện cho người lao động vay vốn ưu đãi để tạo việc làm; ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ kết nối người lao động với thị trường việc làm, nhằm giúp họ ổn định đời sống. Nhiều đối tượng lao động bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid-19 đi học nghề sẽ được hỗ trợ kinh phí học tập.
Đặc biệt, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, ưu tiên tuyển sinh với nhóm lao động bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid-19. “Chúng tôi đã sẵn sàng các phương án đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề để nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, không hạn chế số lượng”, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề kinh tế – kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh thông tin.
Để kết nối người lao động với thị trường việc làm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Tạ Văn Thảo thông tin, hiện toàn bộ hệ thống 15 sàn, điểm sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố vẫn duy trì hoạt động theo hình thức trực tuyến, đã hỗ trợ kết nối việc làm cho hàng trăm lượt người/ngày. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích, đánh giá xu hướng phát triển của thị trường lao động trong thời gian tới cũng được trung tâm triển khai, làm căn cứ để các bên liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, tìm việc làm cho phù hợp…
Dưới góc độ quản lý, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, bất kỳ người lao động nào gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ đều cần nhận được sự quan tâm, động viên, trợ giúp kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, các bên liên quan cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm việc làm cho người lao động, phấn đấu trong những tháng còn lại của năm 2021, Hà Nội giải quyết việc làm mới cho ít nhất hơn 60.000 người.
Trước mắt, để người lao động có điểm tựa vươn lên, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chức năng cần phản ánh với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội để Sở tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét giải quyết./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô