Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai có triển vọng ứng dụng vào thực tiễn

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai có triển vọng ứng dụng vào thực tiễn

Bảo Ngọc –  Thứ hai, 25/10/2021 14:41 (GMT+7)

Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai” đã đề xuất 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới, về bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Đây là Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai có phạm vi triển khai nghiên cứu và ứng dụng trên khắp cả nước với tính liên vùng. Chương trình đã tuyển chọn và triển khai thực hiện 36 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó có 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phòng tránh thiên tai và 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường.

Hiện nay, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, dự kiến sản phẩm. Sau 5 năm, Chương trình đã có 20 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 45 giải pháp công nghệ, nhiều phần mềm, bản đồ được đưa vào ứng dụng. Có 8 sản phẩm có thể thương mại hóa và 18 chủng vi sinh vật đang trong quá trình chuyển giao ứng dụng.

Trong 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới được đề xuất có nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ đã, hoặc có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn như: Dự báo khí tượng thủy văn; Công nghệ, giải pháp dự báo, cảnh báo, giám sát nguồn nước, thiên tai lũ, hạn, mặn; Chỉnh trị sông, phòng chống xói lở, bồi lấp bờ sông, bờ biển, cửa sông ven biển; Đa thiên tai và chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường nông thôn, làng nghề, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước rỉ rác; Công nghệ xử lý hiệu quả chất thải sản xuất công nghiệp; tai biến môi trường công nghiệp khai khoáng; Môi trường nước trong hệ thống sông, kênh thủy lợi; Mô hình kinh tế xanh…

Các nhóm giải pháp trên được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao, ở cả lĩnh vực phòng chống thiên tai cũng như lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, Chương trình phải tái cấu trúc theo hướng giải bài toán lớn mang tính liên vùng, có tính lan tỏa, thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Ngoài ra cần tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, mô hình, sản phẩm của Chương trình, để thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích