Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể
Nhiều điểm sáng
Tại tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình Hợp tác xã/Tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Tiến Phong – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cho biết: Tính đến 30/6/2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.327 Hợp tác xã (HTX) và Quỹ tín dụng nhân dân. Các HTX, Liên hiệp HTX thành lập mới đã ổn định tổ chức bộ máy, tích cực triển khai các dịch vụ cung ứng cho thành viên, liên kết hợp tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bước đầu tạo việc làm thu nhập cho thành viên và người lao động.
Các Liên hiệp HTX đã tổ chức liên kết, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho nhiều đơn vị thành viên phát triển. Một số Liên hiệp HTX đã có kết quả hoạt động tốt, cung cấp sản phẩm rộng rãi cho toàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Một số Liên hiệp HTX đã có kết quả hoạt động tốt, cung cấp sản phẩm rộng rãi cho toàn thành phố và các tỉnh lân cận. |
Đối với HTX cũng đã thu hút, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động. Cùng với việc mở rộng liên kết sản xuất, các HTX đã quan tâm đầu tư chế biến nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân.
Đặc biệt do dịch bệnh Covid-19, hoạt động của HTX, Quỹ tín dụng nhân dân đã góp phần phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác trong nội bộ HTX, đặc biệt góp phần tích cực vào ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Phong, kinh tế tập thể, HTX của Thành phố dần ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều.
Các HTX đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ theo ngành, lĩnh vực; thông qua chương trình liên kết hợp tác giữa Liên minh HTX các tỉnh, thành phố. Nhiều HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Những khó khăn, thách thức cần hỗ trợ
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Phong, bên cạnh các thuận lợi, mô hình kinh tế tập thể vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế tập thể, khiến doanh thu của các HTX bị giảm mạnh và nhiều HTX hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả làm gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, hàng hóa tồn đọng nhiều, doanh thu giảm sút…
Sản phẩm từ mô hình kinh tế tập thể có mặt trên các siêu thị tại Hà Nội. |
“Mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng để giúp HTX, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các HTX khó tiếp cận được gói tín dụng này vì không có tài sản thế chấp nên đa số các ngân hàng không giải quyết cho vay vốn.
Đầu năm chi phí đầu vào lại tăng do giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác tăng theo. Cùng với đó là các nguyên nhân như thiếu vốn để phát triển sản xuất, mở thêm dịch vụ. Các chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được ban hành song chưa đồng bộ, thủ tục khó khăn, thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX”, ông Nguyễn Tiến Phong chia sẻ.
Nêu giải pháp khắc phục khó khăn, ông Nguyễn Tiến Phong cũng nhấn mạnh phương án tuyên truyền nâng cao nhận thức về Kinh tế tập thể, HTX; đồng thời cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách đối với mô hình kinh tế này.
Chia sẻ về tình hình hoạt động và phát triển chuỗi liên kết trên địa bàn Hà Nội, bà Lê Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Thành phố có 145 chuỗi đang hoạt động, trong đó có 80 HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ trong các HTX với các doanh nghiệp, đơn vị thương mại còn rất hạn chế, chiếm tỷ lệ thấp.
Trong khi triển khai hỗ trợ liên kết hợp tác theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 còn vướng mắc về chính sách hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 17/4/2018 chưa triển khai thực hiện được.
Việc liên kết tiêu thụ trong các HTX với các doanh nghiệp, đơn vị thương mại còn rất hạn chế, chiếm tỷ lệ thấp. |
Là đơn vị trực tiếp sản xuất, bà Nguyễn Thị Mùi – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến chia sẻ: Được sự quan tâm các cấp, các ngành sau 4 năm hình thành và phát triển HTX xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến” được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Hiện nay HTX đang sản xuất 35ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ, với sản lượng hàng năm khoảng 400 tấn/năm, lắp đặt camera để giám sát đồng ruộng.
Đối với cây bưởi diễn HTX hướng dẫn thành viên HTX thâm canh bưởi diễn hướng hữu cơ và hữu cơ trong đó có 3ha cấp giấy chứng nhận hữu cơ, 10ha đạt tiêu chuẩn suất khẩu EU, 30ha theo hướng hữu cơ, 20 ha theo tiêu chuẩn VietGap, sản lượng hàng năm khoảng 5.500 tấn. Sản phẩm bưởi diễn đã được Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm xúc tiến thương mại, Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố và các phòng, ban mời tham gia các hội trợ giới thiệu sản phẩm vùng miền quảng bá sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Mùi, bên cạnh những thuận lợi, HTX vẫn gặp một số khó khăn. Đối với bưởi diễn đầu ra chưa mang tính ổn định, các đơn vị chưa ký hợp đồng bao tiêu đầu vụ. Đối với sản phẩm gạo hữu cơ mới được công nhận nhãn hiệu, việc tiếp cận thị trường đầu ra còn khó khăn.
Bên cạnh các giải pháp đồng bộ, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cũng đưa ra các giải pháp xây dựng, thực hiện một số chương trình, đề án điển hình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX như Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2021-2025 tại thành phố Hà Nội”; Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, tay nghề lao động của các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, HTX” giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030.
Nguồn: Báo lao động thủ đô