Nhiều điểm mới trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới

Sau 12 năm thực hiện Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/06/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, Nghị định đã tạo lập hành lang pháp lý quan trọng cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, bảo đảm các quyền bình đẳng của nam và nữ, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh, dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, duy trì và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 55/2009/NĐ-CP đã phát sinh những bất cập, hạn chế nhất định, đòi hỏi cần có một Nghị định mới, bám sát theo thực tiễn, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ hơn trong hệ thống pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm khắc phục những bất cập này.

Dự thảo gồm 4 chương, 24 điều (giảm 1 Chương, 5 Điều so với Nghị định số 55/2009/NĐ-CP). So với Nghị định 55, nội dung về hành vi vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới được Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung sẽ xác định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, những hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, cũng như quy định rõ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Nhiều điểm mới trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới
Nghị định mới sẽ bám sát theo thực tiễn, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ hơn trong hệ thống pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối với hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghiêm cấm hoặc cản trở người khác lựa chọn nghề nghiệp, việc làm vì lý do giới tính; phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công, cơ hội đào tạo thăng tiến của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính; từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sẽ bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi đặt ra hoặc thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi ép buộc hoặc cản trở người khác lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính; từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tổ chức giáo dục hướng nghiệp, biên soạn, phổ biến sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới.

Đối với lĩnh vực thể thao văn hóa, đề xuất phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhằm cản trở người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tham gia hoạt động thể dục, thể thao hoặc các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới; đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc tham gia hoạt động thể dục, thể thao, các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Dùng vũ lực cản trở người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tham gia hoạt động thể dục, thể thao hoặc các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới; không cho người sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tham gia hoạt động thể dục, thể thao hoặc các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới; tự mình hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào; truyền bá tư tưởng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; thực hiện quảng cáo về các dịch vụ xã hội, thông báo, nhắn tin, rao vặt có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới.

Tuấn Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích