Nhiều địa phương trên tại Nghệ An bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Nhiều địa phương trên tại Nghệ An bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Trận lũ lụt kéo dài vào cuối tháng 9 vừa qua đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị thiệt hại nặng nề.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo nhanh về thiệt hại mưa lũ trên địa bàn Nghệ An tính đến ngày 2/10.

tm-img-alt
Toàn tỉnh Nghệ An có 2.337 ngôi nhà bị ngập

Theo đó, đối với thiệt hại về người, mưa lũ đã khiến 1 người chết là ông L.V.K, sinh năm 1952, trú tại bản Hòa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. 1 người mất tích đến nay chưa tìm thấy là cháu N.Q.C, sinh năm 2008, tại bản Công, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Hiện đã tìm thấy xe đạp điện của cháu. Số người phải sơ tán là 142 người tại huyện Kỳ Sơn, hiện các hộ đã trở về ổn định cuộc sống.

Đối với nhà ở, toàn tỉnh có 2.337 ngôi nhà bị ngập, trong đó, huyện Quỳ Châu chiếm hơn 50%, với 1.214 ngôi nhà, còn lại tại các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ… Có 16 nhà bị sập hoàn toàn (Kỳ Sơn 2 nhà, Tương Dương 6 nhà, Quỳ Châu 1 nhà, Quế Phong 7 nhà).

Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 2.904 ha lúa và 3.989 ha hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp bị ngập, gãy đổ. Có 263 con gia súc, 26.882 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đối với nuôi trồng thủy sản, có 1.848 ha ao hồ bị tràn, hư hỏng, nhiều lồng cá bị cuốn trôi, thiệt hại nặng về cá vụ 3.

Đối với lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh có 40 điểm trường bị ngập, 3 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, 179 mét tường rào bị đổ.

Về hệ thống thủy lợi, có 8.094 kênh mương 11 hồ, đập bị sạt lở, hư hỏng, nhiều trạm bơm bị bồi lấp, 40 cống bị cuốn trôi, sạt lở hơn 8 km bờ sông…

Giao thông tại các địa phương cũng bị hư hỏng nặng, có 9.930m đường bị xói lở, 70 cầu tràn bị ngập, 144 điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông. Nhiều cột điện trung thế, hạ thế, trạm biến áp bị hư hỏng…

Hiện tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ như: Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ, đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, hồ, đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ, đập, sạt lở…

Tiếp tục kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Ủy ban nhân dân các cấp, các đoàn thể kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách trong đợt mưa lũ; UBND cấp huyện, xã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ theo quy định; sau mưa, lũ hướng dẫn nhân dân giúp nhau khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng; khôi phục sản xuất lúa, ngô, rau màu bị ngập; sửa chữa hạ tầng hư hỏng, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

Minh Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích