Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, ngập úng, sạt lở

Tại tỉnh Sơn La, theo ghi nhận của các phóng viên báo, đài, đến sáng 24/7, nhiều tuyến đường tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La), chìm trong “biển nước” sau nhiều ngày mưa lớn liên tiếp.

Mưa lớn đã làm cho nhiều ngôi nhà bị ngập sâu khiến người dân phải gấp rút chạy lũ trong đêm. Một số nhà hàng, quán ăn, cửa hàng tạp hóa…, ven đường bị nước lũ tràn vào, khiến nhiều đồ dùng, tài sản bị ngập úng, cuộc sống bị đảo lộn.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Quyết Thắng, TP Sơn La kể: “Suốt đêm qua và rạng sáng nay, gia đình tôi đã thức trắng để kê dọn, di dời tài sản đến nơi an toàn. Tôi chưa từng thấy trận mưa nào gây ngập lụt như thế này”.

Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, ngập úng, sạt lở
Mưa lớn gây ngập sâu tại TP Sơn La, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh ra quân hỗ trợ nhân dân.

Mưa lớn cũng khiến trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học và nhiều tuyến đường thuộc phường Quyết Thắng, Chiềng Lề, Tô Hiệu, Chiềng An, Chiềng Sinh… (TP Sơn La) bị ngập sâu. Tại các vị trí này, nước lũ chảy xiết, nhiều đoạn đường giao thông giống như dòng sông nước; nhiều ô tô đỗ hai bên đường bị ngập quá thân xe.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, tỉnh Sơn La đã huy động các lực lượng ứng trực tại 1 số vị trí xung yếu để hướng dẫn, phân luồng giao thông; di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Công Chính, Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, thông tin, hiện UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã khẩn trương hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường thống kê, rà soát thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Còn tại địa bàn xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, mưa lớn gây ra lũ ống cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu, ruộng lúa. Tuyến đường liên bản nối trung tâm xã với bản Mường và bản Bơ, Pơn bị sạt lở khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Mùa A Thái, Chủ tịch UBND xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn xác nhận, mưa lớn kéo dài, gây ra lũ ống cuốn trôi một số diện tích hoa màu; gây sạt lở nhiều tuyến đường liên bản. Hiện địa phương đang rà soát, thống kê thiệt hại để báo cáo cấp trên.

Mưa lớn cũng gây ra sạt lở đất, đá tại đèo Chẹn thuộc Quốc lộ 37; lũ ống gây ngập lụt Trường Tiểu học – THCS Tạ Khoa, huyện Bắc Yên.

Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, ngập úng, sạt lở
Nhiều tuyến đường ở tỉnh Sơn La bị sạt lở do mưa lớn.

Tại địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ mưa lớn đã làm sạt lở tại 2 vị trí Km156 và Km160+620, lượng lớn cây và đất đá từ ta luy dương tràn ra đường khiến các phương tiện không thể lưu thông, ùn tắc cục bộ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường bộ I.1 (Cục Đường bộ Việt Nam), do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra mưa lớn, khiến đất đá ở phần taluy dương sụt trượt xuống đường gây cản trở giao thông.

Nhiều tuyến đường liên xã, liên bản thuộc địa bàn các xã: Mường Men, Chiềng Khoa, Tô Múa, Suối Bàng… bị ngập nước, sạt lở taluy dương, đất đá tràn ra mặt đường, các phương tiện giao thông không di chuyển được.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang huy động máy móc và nhân lực để khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã thông báo đến các địa phương thống kê thiệt hại do mưa lũ để có có phương án hỗ trợ kịp thời.

Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân, làm sạt lở nhiều tuyến đường ở huyện biên giới Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa có mưa to kéo dài, nước trên sông, suối dâng cao, nguy cơ gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Cụ thể, lúc 12h ngày 23/7, nước suối Pu ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa dâng cao, gây ngập đập tràn, cuốn trôi 2 ngôi nhà tạm, nhiều diện tích hoa màu, cá nuôi lồng… của người dân.

Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, ngập úng, sạt lở
Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nhiều tài sản ở các huyện vùng cao Thanh Hóa.

Mưa lũ cũng khiến 2 bên cánh gà của cầu suối Pu, ở xã Thành Sơn bị sạt lở, trôi hết đất đá. Có 3 hộ tại bản Bai (xã Thành Sơn) bị sạt lở ta luy dương và lũ quét, nên phải di dời tài sản và người đến nơi an toàn.

Hiện nay, các cánh đồng lúa của địa phương này đang trong thời điểm đẻ nhánh, nhưng đã bị cuốn trôi khoảng gần 4 ha.

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Quan Hóa, mưa lũ đã gây ra 10 điểm sạt lở taluy gây ách tắc, cản trở giao thông trên địa bàn 5 xã, gồm: Phú Xuân, Hiền Kiệt, Thành Sơn, Phú Sơn, Trung Thành… gây thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Tại huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), mưa lũ cũng đã khiến 4 hộ dân ở xã Mường Chanh và xã Quang Chiểu bị thiệt hại dưới 30% do nước ngập vào nhà, bị sạt nền nhà và bị đất ở taluy dương sạt lở tràn vào gầm nhà sàn.

Có hơn 7 ha lúa của người dân bị vùi lấp, thiệt hại dưới 30%, ở các xã Pù Nhi, Mường Lý, Quang Chiểu và thị trấn Mường Lát. Số lúa nước bị thiệt hại trên 70% là 6 ha, ở các xã Mường Chanh, Quang Chiểu.

Một số gia súc của người dân ở xã Mường Chanh bị lũ cuốn trôi. Nhiều ao nuôi cá của 13 hộ dân tại xã Mường Chanh nước bị tràn, thiệt hại khoảng gần 1 tấn cá các loại.

Nhiều địa phương bị thiệt hại do mưa lớn, ngập úng, sạt lở
Lãnh đạo huyện Mường Lát đi thị sát và chỉ đạo khắc phục thiên tai.

Thông tin từ UBND huyện Mường Lát, mưa lũ đã khiến cống thoát nước bị sạt lở một phần trên Tỉnh lộ 521E (tại Km 22), thuộc địa phận bản Bóng xã Mường Chanh; đường lên nhà Văn hóa bản Pù Quăn (xã Pù Nhi) bị sạt 1 điểm.

Tại Km 8+200, tuyến đường bản Cá Nọi đi bản Pù Quăn sạt lở 1 điểm gây ách tắc giao thông, khối lượng đất đá khoảng 160 m3, hiện tại chưa lưu thông được.

Một số tuyến đường ở các bản Cá Nọi, Hua Pù (xã Pù Nhi) cũng bị sạt lở. Đặc biệt, tại Km 93+730, tuyến Quốc lộ 15C, do cống và rãnh thoát nước bị tắc, khi xảy ra mưa lớn bùn và đất đá tràn lên mặt đường. Còn tại Km 86+800 – Km86+800, chiều dài khoảng 100m, đang có nguy cơ sạt lở cao từ trên đồi xuống Quốc lộ 15C.

Tuyến đường Na Tao – Mường Chanh sạt lở 1 điểm tại bản Pù Quăn (xã Pù Nhi), khối lượng đất đá khoảng 120 m3. Tuyến đường nhánh từ khu phố Chiên Pục (thị trấn Mường Lát) đi bản Pù Quăn (xã Pù Nhi) là đường vành đai biên giới bị sạt lở nhiều điểm, khối lượng đất đá khoảng 150 m3, hiện tại chưa lưu thông được… Ước tính thiệt hại khoảng 550 triệu đồng.

Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng, đoàn thể chính trị – xã hội, lực lượng Công an, Biên phòng, Quân đội, Dân quân tự vệ từ huyện đến cơ sở phối hợp, giúp đỡ người dân triển khai thực hiện tốt việc khắc phục hậu quả do thiên tai; chú trọng đến đời sống an sinh xã hội cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Tại huyện Quan Sơn, từ ngày 21 đến 23/7, mưa lũ, sạt lở đất đã làm nhà ở, các công trình phụ, tài sản của 3 hộ dân các xã Na Mèo, Trung Tiến bị hư hỏng; 5,68 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; gần 1.200 m2 diện tích nuôi thủy sản bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 500 kg cá; nhiều tuyến đường giao thông liên thôn của các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy bị hư hại…

Trước tình hình trên, huyện Quan Sơn đã chỉ đạo và phân công các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện, trực tiếp xuống địa bàn các xã chỉ đạo khắc phục hậu quả; tổ chức sơ tán các hộ dân bị sạt lở đất, có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và chủ động các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống khẩn cấp, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

H.P

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích