Nhiều đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp phục hồi
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ các thách thức lớn của doanh nghiệp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uchyama Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 2A, tỉnh Bình Dương). Ảnh tư liệu: Chí Tưởng/TTXVN |
Khó khăn trong phục hồi
Theo Ban IV, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước. Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm (khiến dòng tiền vào giảm mạnh) ở nhiều ngành, doanh nghiệp còn gặp thách thức đặc biệt lớn bởi thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như trong việc duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.
Phân tích cụ thể, Ban IV cho biết, thách thức rất lớn trong tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023, cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Trong đó, doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, đơn hàng xuất khẩu và đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 – 40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.
Doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn, nhưng hiện nay, các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới, nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.
Doanh nghiệp nông nghiệp phản ánh thiếu vốn để thu mua nguyên liệu, trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, việc xây dựng bằng vốn đầu tư công cũng đang đình trệ, khiến nhóm doanh nghiệp này thực sự khủng hoảng.
Phần lớn doanh nghiệp đối diện với tình thế chông chênh
Sau hơn hai năm chịu những tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn và các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI vốn có nền tảng quản trị hiệu quả, khoa học hơn, chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước đang có nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện nay.
Số liệu xuất khẩu tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong khi các doanh nghiệp FDI vẫn giữ được tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ.
“Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra những khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa hai thành phần kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam”, Ban IV nhận định.
Về những thách thức trong duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp, Ban IV cho biết, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.
Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo. Thậm chí, thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất lĩnh vực khác). Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.
Đề xuất kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,…
Đề xuất giải quyết những thách thức liên quan đến thị trường tài chính, Ban IV cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham vấn các chuyên gia tài chính, chính sách uy tín trong nước, quốc tế để đánh giá bối cảnh và nhận diện giải pháp.
Trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường, vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.
Mặt khác, với chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, cần thiết phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất…, không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan.
Nguồn: Báo xây dựng