Nhiều công ty khởi nghiệp sẽ mong đợi được VinVentures đồng hành
Điểm tựa cho nền kinh tế số
Quỹ VinVentures là cái tên bom tấn vừa được Tập đoàn Vingroup chính thức công bố ra mắt ngày 28/10. Theo đó, tổng tài sản của Quỹ VinVentures lên tới 150 triệu USD với trọng điểm đầu tư là Trí tuệ nhân tạo (AI); Chất bán dẫn (Semiconductor) và Điện toán đám mây (Cloud), các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Ngoài ra, đối tượng đầu tư cũng được Quỹ mở rộng không giới hạn với những startup ở các lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng tốt.
Đây được cho là tin vui lớn với các cộng đồng startup Việt. Ông Ngô Đức Hải, Founder Công ty Funzilla Việt Nam – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giải trí tại Hà Nội, chỉ ra thực tế, dòng vốn cho starup công nghệ đang ngày càng ảm đạm trong thời gian qua. Vị này dẫn thống kê của nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn cho thấy, tổng vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã giảm tới 52,7% so với nửa đầu năm 2023.
“Đây là thời điểm các dự án công nghệ cần được đồng hành hơn khi nào nào hết. Nếu nguội lạnh, rất khó để vực dậy thị trường”, ông Hải nói.
Với VinVentures, điều ông kỳ vọng là không chỉ là “giải cơn khát” vốn cho các startup mà còn tạo lực đẩy mạnh mẽ bởi cách làm bài bản và nhanh chóng theo “phong cách Vingroup”. Ông lấy ví dụ về những dự án công nghệ trong Chương trình tài trợ Dự án Khoa học và Công nghệ của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã từng khiến giới nghiên cứu “ngả mũ” bởi quy trình thẩm định bài bản, tốc độ giải ngân nhanh chóng, giúp nhiều dự án sớm đi vào thực tế. “Với startup quan trọng nhất là tốc độ vì cơ hội đến và đi rất nhanh. Đó cũng là lý do nhiều công ty khởi nghiệp sẽ mong đợi được VinVentures đồng hành”, ông Ngô Đức Hải đánh giá.
Ở góc nhìn rộng hơn, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính quốc tế, đánh giá cao những bước đi của Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng khi tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng lớn để phát triển nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. “Trí tuệ nhân tạo, Chất bán dẫn và Điện toán đám mây là 3 lĩnh vực cơ bản của kỉ nguyên công nghệ cao. Việt Nam muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình phải xây dựng được nền kinh tế số với 3 trụ cột trên”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Ông cũng bày tỏ niềm tin, những dự án được VinVentures đồng hành sẽ giúp tạo ra trào lưu phát triển công nghệ số tại Việt Nam. “Muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình chúng ta phải xây dựng thành công nền kinh tế số và rất cần những người truyền cảm hứng như VinVentures”, vị chuyên gia nói.
Tạo “cộng hưởng”, tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt
Ở góc độ đồng hành, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra ưu thế của VinVentures là hệ sinh thái đa ngành nghề của Vingroup. Điều này đồng nghĩa, các startup sẽ có cơ hội kết nối với các công ty trong nhiều lĩnh vực để được tư vấn, thẩm định, thử nghiệm chất lượng trước khi ra thị trường và sau đó có thể là các khách hàng trong tương lai.
“Những dự án công nghệ tốt thậm chí có thể được áp dụng với những mũi nhọn của tập đoàn như VinFast để tạo sự cộng hưởng về công nghệ, từ đó tăng sức cạnh tranh cho ô tô điện Việt Nam”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Không chỉ đồng hành với VinFast, với mạng lưới quan hệ và nguồn lực mạnh mẽ của những tập đoàn tầm cỡ như Vingroup, các công ty khởi nghiệp có nhiều cơ hội để gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới khác. Nếu “chớp cơ hội” để trưởng thành, các startup công nghệ Việt thậm chí vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Đặc biệt, với tư duy mở của những dự án đồng hành trước đó, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, VinVentures cũng không “trói” các startup bằng những điều khoản độc quyền mà ngược lại, có thể tìm thêm nguồn lực từ những quỹ đầu tư khác trên thị trường. “Với mạng lưới Vingroup, các công ty khởi nghiệp không chỉ được tiếp cận sự hỗ trợ của VinVentures mà còn của nhiều quỹ đầu tư khác trên thị trường. Sự liên minh này sẽ giúp các dự án phát triển lâu dài, bền vững hơn, từ đó có thể đóng góp lớn hơn cho nền công nghiệp nước nhà”, vị chuyên gia lên tiếng.
Với ý nghĩa to lớn, theo vị chuyên gia, 150 triệu USD tài sản của VinVentures có thể chỉ là con số khởi đầu. “Với tinh thần dân tộc và tư duy quyết liệt, tôi tin rằng Vingroup sẽ sẵn sàng đầu tư thêm nguồn lực nếu những đóng góp của dự án là thiết thực cho hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như nền công nghiệp Việt”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Thành Long