Nhiều cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê, Bắc Ninh vi phạm về an toàn điện và bảo vệ môi trường

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, mới đây các đoàn kiểm tra của thành phố Bắc Ninh tiếp tục tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn điện đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy tại các khu Dương Ổ, Đào Xá và Châm Khê. Đa số cơ sở đều vi phạm về an toàn điện và chưa xuất trình được hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường.

Trong quá trình kiểm tra, kết hợp tuyên truyền vận động, đã có 12 cơ sở viết đơn xin tự dừng hoạt động và ngừng cung cấp điện 3 pha; 5 cơ sở buộc phải cắt điện khẩn cấp do mất an toàn về điện nghiêm trọng; 1 cơ sở hoạt động trên đất sản xuất, kinh doanh đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đoàn kiểm tra yêu cầu khắc phục về an toàn điện trong 10 ngày; còn lại 2 cơ sở chưa liên lạc được và xảy ra sự cố trong quá trình kiểm tra.

Làng giấy Phong Khê, Bắc Ninh gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Nhân Dân)

Việc kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại phường Phong Khê được thực hiện công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xuất hiện tình trạng người dân lôi kéo, tụ tập gây rối an ninh trật tự; một số trường hợp quá khích có lời lẽ xúc phạm, cản trở người thi hành công vụ; đồng thời livestream trên mạng xã hội với những phát ngôn gây kích động, không đúng sự thật về quá trình kiểm tra, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Hiện, các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Làng nghề giấy Phong Khê hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất, chủ yếu sản xuất các loại giấy vệ sinh, giấy kraft, giấy vàng mã, trong đó có 228 hộ sản xuất, kinh doanh giấy xây dựng trong khu dân cư và sử dụng đất sai mục đích. Các cơ sở còn lại tập trung ở Cụm công nghiệp Phong Khê I và II. Nguyên liệu sản xuất chính là giấy vụn, giấy lề, giấy phế liệu… 

Từ lâu, cùng với Phú Lâm và Mẫn Xá, làng nghề Phong Khê được xem là làng nghề ô nhiễm nhất tỉnh Bắc Ninh. Ghi nhận đa số cơ sở sản xuất giấy đều sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước, dẫn đến hiệu quả, năng suất sản xuất thấp và gây ô nhiễm môi trường (môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn…).

Sản lượng giấy trung bình đạt trên 400.000 tấn/năm và có xu hướng tăng hàng năm. Tuy nhiên theo thực tế, số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước trên địa bàn Phong Khê lại có xu hướng giảm và rất thấp so với các địa phương khác trong thành phố.

Nguồn nước thải và khí thải trong hoạt động sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho khu vực, sông Ngũ Huyện Khê (đoạn qua thành phố Bắc Ninh) ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu về sức khỏe của người dân, gây nhiều hệ lụy về môi trường từ nhiều năm. Khối lượng rác thải từ sản xuất (rác lề thủy lực, bùn thải, đinh ghim, tạp chất…) còn tồn đọng với khối lượng lớn chưa được xử lý.

Theo báo cáo của UBND thành phố Bắc Ninh, hầu hết cơ sở sản xuất trong làng nghề đều chưa lập các thủ tục hành chính về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, Giấy phép môi trường…) do nguồn gốc đất chủ yếu là đất ở, đất nông nghiệp… một số cơ sở đã có ý thức xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, tuy nhiên không vận hành thường xuyên và các công trình xử lý môi trường chưa đảm bảo quy chuẩn theo quy định.

Đề cập tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Linh – Phó trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh cho biết, trong thời gian vừa qua, tỉnh đang tập trung kiểm tra đối với cơ sản xuất giấy vàng mã là những cơ sở có lượng phát sinh nước thải, chất thải có nồng độ ô nhiễm cao.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát và lên danh sách các đối tượng để kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra, có một số là chủ cơ sở vẫn đang hoạt động sản xuất, có những cơ sở đã dừng hoạt động sản xuất sau khi họ cảm thấy việc tiếp tục hoạt động không có hiệu quả kinh tế.

Lãnh đạo tỉnh và thành phố cũng đề ra chủ trương và lộ trình phù hợp, trong quá trình tiến hành xử lý đã xác định rõ vấn đề giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và đặc biệt đoàn kiểm tra sẽ xử lý xong toàn bộ cơ sở trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12723:2019 về giấy và các tông tiếp xúc với thực phẩm- yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm

Tiêu chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra yêu cầu an toàn vệ sinh áp dụng cho các loại giấy và các tông tráng phủ hoặc không tráng phủ bề mặt để tiếp xúc với thực phẩm. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho giấy và các tông có phủ kim loại hoặc màng nhựa.

Yêu cầu an toàn đối với giấy và các tông tiếp xúc với thực phẩm phải khô, sạch, không có khuyết tật như lỗ thủng, không có tạp chất và không có mùi lạ. Giấy và các tông tiếp xúc thực phẩm phải tuân thủ yêu cầu theo quy định. Việc ghi nhãn phải tuân theo quy định hiện hành và có ít nhất các thông tin sau: Tên và ký hiệu sản phẩm; Tên, địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhập khẩu; Số lượng giấy và các tông trong mỗi bao gói; Số hiệu tiêu chuẩn này.

 An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích