Nhiều chuyên gia quốc tế dự hội thảo về Hoàng thành Thăng Long

Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ cùng thảo luận, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu so sánh… trong công tác phục dựng các cung điện.

nhieu chuyen gia quoc te du hoi thao ve hoang thanh thang long

Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội” sẽ diễn ra trong ngày 8-9/9 với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của chuyên gia các nước châu Á có hệ thống cung điện như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đó là thông tin ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội chia sẻ trong buổi họp báo ngày 31/8.

Hội thảo xoay quanh 2 chủ đề chính: Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng thành Thăng Long và Phát huy giá trị di sản-Thực tiễn kinh nghiệm và định hướng.

Hội thảo là dịp tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ năm 2002 đến nay, đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học 10 năm tại khu vực điện Kính Thiên.

“Những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu so sánh… trong công tác phục dựng các cung điện,” ông Nguyễn Thanh Quang nói.

Nhân dịp này, các nhà quản lý cũng sẽ được tham vấn khoa học về định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội lan tỏa trong nước và quốc tế.

“Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, một điểm đến không thể bỏ qua của du lịch Thủ đô, một công viên văn hóa lịch sử trong tương lai,” ông Quang nói.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đang tập trung triển khai các dự án khôi phục không gian điện Kính Thiên; cải tiến các nội dung trưng bày, tái hiện các nghi lễ truyền thống đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo tồn.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, giúp các em hiểu về di sản vì các em chính là thế hệ sẽ gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản. Trung tâm cũng đang nâng cấp nhiều tiện ích, dịch vụ, chẳng hạn như cho thuê quần áo truyền thống để giúp du khách lưu lại bức ảnh đẹp. Càng tích hợp được nhiều dịch vụ đi kèm, phục vụ nhiều nhu cầu cùng lúc của du khách, sẽ càng giúp điểm đến thêm giá trị,” ông Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.

Dưới góc độ nghiên cứu, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này bởi di sản Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa đặc biệt với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo ông Cường, việc phát huy giá trị di sản này là vô cùng cần thiết để thế hệ sau biết rằng dân tộc ta có truyền thống văn hóa kéo dài hàng nghìn năm lịch sử.

“Hội thảo này là dịp để chúng ta nhìn lại xem đã làm được những gì và còn cần phải làm những gì để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo cam kết với UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc). Chúng ta bảo tồn di sản không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho cả nhân loại,” ông Cường nói.

Hội thảo do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.

Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới (1972-2022), nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới trong công tác nghiên cứu khoa học, khảo cổ học phục vụ quản lý hiệu quả khu di sản đồng thời hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 và tổng hợp kết quả 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long./.

Bên cạnh hội thảo, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu từ ngày 2/9; trưng bày “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long”; trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất trong quá trình khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay, với sự kết hợp công nghệ trình chiếu 3D mapping.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích