Nhiều chủ khách sạn ngậm ngùi rao bán “cần câu cơm“ vì kiệt quệ

Vay tiền tỷ để trả lương

Theo ghi nhận của phóng viên, trên các kênh bất động sản, trang cá nhân Facebook, Zalo, thông tin chuyển nhượng, rao bán khách sạn “nổ” ra rầm rộ.

Nằm vị trí vàng trên con phố lớn thuộc quận Tây Hồ, khách sạn của chị Bích Ngọc (quận Tây Hồ, Hà Nội) gồm 1 tầng hầm và 8 tầng nổi với tổng diện tích 345m2 thiết kế hiện đại gồm 15 căn hộ và 33 phòng khách sạn. Được quảng cáo gần với các dự án Khu đô thị lớn như: Khu đô thị Ciputra, Ngoại giao đoàn, trung tâm thương mại lớn…, khách sạn của chị Ngọc đang được chào bán giá 75 tỷ đồng có thương lượng.

Nhiều khách sạn được rao bán công khai trong tháng 7.
Nhiều khách sạn được rao bán công khai trong tháng 7.

Phóng viên liên hệ với số điện thoại chào bán, chị Ngọc cho biết, chị đầu tư vào khách sạn được hơn 3 năm. Trước khi xảy ra dịch bệnh (khoảng tháng 10/2019), doanh thu khách sạn mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng.

Ba tháng nay, dịch bệnh liên miên, gần như không có khách đến. Các phòng được đặt trước đó 3 tháng cũng đã bị hủy. Đầu tư lớn, dự liệu tình trạng này kéo dài, cộng với áp lực phải thanh toán tiền vay ngân hàng trả hàng tháng nên vợ chồng chị Ngọc quyết định bán thu hồi vốn trả nợ.

“Doanh thu lớn nhưng chi phí cũng lớn lắm. Hộ cá thể như chị lấy đâu ra tiền mặt mấy chục tỷ đồng. Toàn tiền vay đầu tư. Kinh doanh suôn sẻ thì khoảng hơn chục năm trả hết vốn vay. Nhưng tình trạng như hiện nay chưa nói đến trả nợ ngân hàng, trả tiền chi phí phục vụ kinh doanh hàng tháng còn âm nên tìm cách để rút vốn sớm”, chị Ngọc giãi bày.

Cùng cảnh, anh Nguyễn Tuấn Đạt, chủ khách sạn 3 sao trên phố Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội than thở, anh đăng thông tin công khai rao bán được mấy tháng nay nhưng lượng người tìm hỏi mua không nhiều. Theo lý giải của ông chủ này, họ chỉ gọi hỏi với cách thăm dò, không mặn mà hỏi sâu để đi đến đàm phán.

“Khách sạn đẹp nguy nga đạt tiêu chuẩn 3 sao quốc tế với tổng diện tích sử dụng 1.760m2. Diện tích đất 176m2 x 9 tầng nổi một tầng hầm. Với 30 phòng khách sạn đẳng cấp, 4 phòng spa, 1 bar nhà hàng. Giá tôi đang rao bán là gần 170 tỷ đồng có thương lượng nhưng đến nay vẫn treo vậy”, vị này tâm sự.

Mới đây, Công ty Hương Việt, đơn vị đang sở hữu hai khách sạn và một nhà hàng cũng đã phải ký hợp đồng vay gần 772 triệu đồng trong gói 7.500 tỷ đồng của Chính phủ để trả lương cho người lao động trong 3 tháng vừa qua.

Ba trường hợp trên chỉ là hai trong số nhiều chủ khách sạn đang đau đầu vì nợ nần, phải rao bán “cần câu cơm” của mình để gỡ vốn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%; 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động khiến 90% tổng số lao động du lịch mất việc.

Nhiều thương hiệu quốc tế “đổ bộ”

Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội – thời điểm này nhiều doanh nghiệp làm khách sạn dường như đã kiệt sức do khách hủy tour. Trong tình hình hiện nay, ngoài biện pháp cắt giảm nhân sự vận hành, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác.

Một chuyên gia lữ hành xác nhận, việc khách sạn cầm cự, chịu lỗ hoặc chấp nhận rao bán cắt lỗ diễn ra khá nhiều trong thời gian gần đây.

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chi phí vận hành khách sạn và chi phí vay đầu tư quá lớn. Thời gian dịch bệnh kéo dài, các chủ khách sạn không còn sức gồng gánh dẫn đến phải bán với hy vọng thu hồi, bảo toàn vốn.

Tuy nhiên, “kẻ bán lại có người mua, sự thất bại của người này lại là cơ hội của người khác, do đó, nhìn chung thì thị trường này vẫn có cơ hội phục hồi sớm”, vị chuyên gia chia sẻ.

Ở góc nhìn dài hạn, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng: Việc triển khai vắc xin sẽ giúp du lịch quốc tế mở cửa, thị trường khách sạn Hà Nội sẽ sớm quay trở lại.

Theo ông Matthew Powell, bên cạnh sự phục hồi của các khách sạn nội thì thị trường tiếp tục ghi nhận đầu tư từ các khách sạn quốc tế có thương hiệu như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink.

Ông Matthew Powell cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển. Sở dĩ có sóng đầu tư này vào thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại.

Theo Báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam, giá phòng khách sạn tại Hà Nội trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, tăng 1% theo quý nhưng giảm 9% theo năm.

Nguồn cung của thị trường vẫn ổn định theo quý với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao.

Trong đó, khách sạn 5 sao chiếm tới 54% nguồn cung và đồng thời dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.

Tới cuối quý II, năm khách sạn 3 sao cung cấp 315 phòng đang tạm đóng cửa do Covid và để sửa chữa, ngoài ra 10 khách sạn 3 – 5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích