Nhiều chính sách kinh tế nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ 1/5

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp được quy định tại Nghị định số 32 có hiệu lực từ ngày hôm nay, trong đó, nghị định này quy định ưu đãi đầu tư đối với cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp.

Nhiều chính sách kinh tế nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ 1/5
Thông tư 01 của NHNN có hiệu lực thi hành từ 14/5 về nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền.

Quy định mới về quản lý seri tiền mới in, theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực thi hành từ 14/5, nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền: Đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 7 chữ số in từ 0000001 trở đi; đối với các loại tiền NHNN công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 8 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 6 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi; mỗi tờ tiền có một seri riêng.

Nhiều chính sách kinh tế nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ 1/5
Quyết định 05 có hiệu lực từ 15/5 về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 05 có hiệu lực từ 15/5 về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN tự quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.

Cũng trong tháng 5 này, quy định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia theo Thông tư số 19 của Bộ Tài chính và Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024 theo Thông tư số 06 của Bộ Tài chính quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024 cũng bắt đầu có hiệu lực.

T.N

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích