Nhiều chỉ tiêu, định hướng về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030
Nhiều chỉ tiêu, định hướng về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030
Theo dõi MTĐT trên
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều chỉ tiêu, định hướng về bảo vệ môi trường cho cả giai đoạn 2021-2030, phấn đấu nhanh nhất giảm mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050.
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học…
Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành đưa ra quan điểm là “Phát huy tối đa lợi thế quốc gia, vùng, địa phương; Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đồng thời, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng tài nguyên biển và các loại khoáng sản; bảo đảm an inh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra yêu cầu môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng các – bon thấp; phấn đấu nhanh nhất giảm mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050… Đồng thời, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 – 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom; tỷ lệ tái chế rác thải hữu cơ đạt 100% ở đô thị và 70% ở nông thôn.
Trong khi đó, phấn đấu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.
Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả tổng hợp sử dụng đầu vào, đầu ra của các quá trình sản xuất. Bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.
Đồng thời, ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.
Cải tạo, nâng cấp, kiểm soát các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt; chuyển đổi các bãi chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt thành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề trên các lưu vực sông lớn; Thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu ở tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các bệnh viện.
Tăng cường quản lý nguồn thải, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, đặc biệt tại các dòng sông, đoạn sông liên tỉnh bị ô nhiễm; Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ, ao, kênh, mương, rạch ở các đô thị lớn; Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại chất lượng nước ở các đoạn sông, kênh, mương, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đối với hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, vùng lõi di sản thiên nhiên, cần tiếp tục bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; mở rộng hệ thống, thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn và khu bảo tồn biển; mở rộng hệ thống các khu di sản thiên nhiên được các tổ chức quốc tế công nhận; Khoanh vùng, xây dựng, bảo vệ và sử dụng bền vững các hành lang đa dạng sinh học. Tiếp tục bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) hiện có; tiếp tục nâng tổng số khu Ramsar của cả nước; khoanh vùng, bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn; Khoanh vùng, bảo vệ, sử dụng bền vững và thành lập mới các khu vực đa dạng sinh học cao, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng…
Thanh Mai (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị