Nhiều bị can nộp tiền khắc phục hậu quả trong giai đoạn truy tố
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cho biết: Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Với sự chỉ đạo quyêt liệt của Đảng, đặc biệt là sau khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.
Quang cảnh tọa đàm. |
Tại TP.HCM, Ban Chi đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố được thành lập vào ngày 17/8/2022. Kể từ đó đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn Thành phố, đơn cử là việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng như đại án Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…
“Trong một số vụ án lớn, các bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước và trong quá trình xét xử. Đây là kết quả đáng khích lệ, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và những biện pháp truy vết tài sản chặt chẽ, kịp thời”, đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cho hay.
Đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. |
Tuy nhiên cũng theo đồng chí Ngô Minh Châu, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trong những năm qua tại Thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đó là những khó khăn, hạn chế về sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cho phép các biện pháp kê biên, phong tỏa được áp dụng sớm hơn trong quá trình điều tra; đồng thời biện pháp chế tài cần mạnh hơn đối với hành vi tẩu tán tài sản. Cần ứng dụng công nghệ trong kiểm soát tài sản, truy vết dòng tiền, tài sản của những người có liên quan đến các vụ án tham nhũng; nâng cao nhận thức của từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị, người đứng đầu trong việc xác định công tác thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng.
Các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng. Chính vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng và toàn xã hội. (Đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM). |
Theo ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra Thành phố, Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM: Trong quá trình tiến hành thanh tra, khi phát hiện sai phạm, Trưởng Đoàn thanh tra sẽ báo cáo Chánh Thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.
Đồng chí Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. |
Việc ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đây cũng là giai đoạn quyết định tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản sai phạm ngay trong quá trình thanh tra. Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra.
Đại diện Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra những tồn tại như các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian, chậm hoặc không nộp tiền, tài sản bị chiếm đoạt.
Hành vi tội phạm và tham nhũng, kinh tế có thể đã được phát hiện từ hoạt động thanh, kiểm tra và từ đơn thư phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo.
Đáng chú ý, chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh, truy tìm tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật của người vi phạm. Từ đó cần phải đồng bộ, thống nhất và khả thi các quy định pháp luật nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản của bản thân người phạm tội và những người thân thích của họ. Đồng thời cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.
Tại tọa đàm, đồng chí Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM thông tin, có nhiều bị can không nộp khắc phục trong giai đoạn điều tra nhưng khi nhận được bản kết luận điều tra, phát hiện đồng phạm của mình trong cùng vụ án đã nộp tiền khắc phục hậu quả, được xem xét tình tiết giảm nhẹ; nên đã chủ động liên hệ Viện kiểm sát nhân dân để được nộp tiền khắc phục trong giai đoạn truy tố với mong muốn được ghi nhận hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trước khi chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân để xét xử.
Đồng chí Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. |
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố đã thu được hơn 2 tỷ đồng trong việc thu giữ, tạm giữ tiền nộp khắc phục hậu quả. Đến ngày 30/8/2024, trong giai đoạn truy tố tại VKSND Thành phố đã thu được gần 17,5 tỷ đồng, điển hình như vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ trong 30 ngày truy tố VKSND đã thu hồi được gần 8 tỷ đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.
Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực như: Ngân hàng, tài chính, đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, quản lý, sử dụng đất đai, đăng kiểm có tính chất đặc biệt phức tạp, nhiều diện đối tượng, hành vi phạm tội có hệ thống và diễn ra trong thời gian dài. Chính vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị thất thoát, thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, phải tiến hành kiên trì, kiên quyết nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. (Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM). |
Đại diện VKSND TP.HCM cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, tồn tại trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đơn cử, quy định về việc chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn nếu phải thi hành phát mại, đấu giá đối với một phần tài sản là căn nhà, căn hộ chung cư, quyền sử dụng đất…
Trong các tội phạm về tham nhũng thì tịch thu tài sản chỉ được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, dẫn đến cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi tài sản. Trong khi đó, nhiều quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế, thiếu hiệu quả, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập mang tính hình thức, hiệu quả thấp…
Giai đoạn từ năm 2021 – 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành thanh tra TP.HCM đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, (gồm có 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất). Kết quả các sai phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra thuộc các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Cụ thể, năm 2021 đã thu hồi gần 11/22 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 48,22%) và 104,36m2 đất; năm 2022 đã thu hồi hơn 37,2/42,3 tỷ đồng và 183 m2 đất; năm 2023 đã thu hồi 20,4/25,9 tỷ đồng và 183m2 đất. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi gần 28 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%) và 26.684 m2 đất/29.345 m2 đất. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô