Nhiều Bệnh viện ở Hải Phòng “khóc ròng” khi triển khai tự chủ tài chính

Nhiều Bệnh viện ở Hải Phòng “khóc ròng” khi triển khai tự chủ tài chính

MTĐT –  Thứ sáu, 09/09/2022 17:09 (GMT+7)

Các bệnh viện công lập ở Hải Phòng từ tuyến cơ sở đến tuyến trên đều thừa nhận quá nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình tự chủ.

Tự chủ trong hệ thống bệnh viện công lập là hướng đi giúp các đơn vị y tế công lập từng bước cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện ở Hải Phòng đã “khóc ròng” vì không thể đáp ứng mô hình này.

Muôn vàn khó khăn khi tự chủ, nhiều bệnh viện xin …. không nâng mức 

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng vừa diễn ra, các bệnh viện công lập ở Hải Phòng từ tuyến cơ sở đến tuyến trên đều thừa nhận quá nhiều khó khăn và vướng mắc trong quá trình tự chủ.

Là bệnh viện tuyến quận huyện đang thực hiện tự chủ mức 3 (chi thường xuyên 1 phần), BVĐK Ngô Quyền nhiều phen “tụt huyết áp” bởi đối diện quá nhiều khó khăn, trở ngại. Theo Kế hoạch, năm 2021-2023, BV Ngô Quyền phải tự chủ 100% (mức 2) nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên cuối năm 2020 BV đã làm văn bản đề xuất xin được lùi sang 2023. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ ở mức 3, nhận thấy điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị vừa thiếu, vừa hạn chế; cộng thêm nguồn nhân lực bị “chảy máu” nên việc đảm đương tự chủ mức 2 đối với đơn vị là điều không thể thực hiện. Theo đó, BV Ngô Quyền một lần nữa đề xuất thành phố cho đơn vị được tiếp tục duy trì tự chủ mức 3 và không nâng mức.

Theo báo cáo từ BVĐK Ngô Quyền, kể từ khi bước vào tự chủ mức 3, năm 2020 bệnh viện chỉ đảm bảo được 87% chi thường xuyên; năm 2021 lo được 88,3%, 6 tháng đầu năm 2022 là 82%. Từ khó khăn đó, bệnh viện không có nguồn để tái đầu tư, chưa chi được phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và dịch vụ tăng thêm cho cán bộ viên chức người lao động dẫn đến nhiều nhân lực chất lượng cao rời bỏ bệnh viện sang bệnh viện tư. Ngoài ra, khoảng cách từ BV Ngô Quyền đến bệnh viên tuyến trên lại khá gần, xung quanh có nhiều bệnh viện tư nhân hiện đại nên để cạnh tranh là vô cùng khó khăn.

Đặc thù là bệnh viện tuyến cơ sở nên 98% nguồn thu của bệnh viện chủ yếu đến từ BHYT. Đa phần người bệnh đến khám có mức sống không cao, nhiều việc của bệnh viện bắt buộc phải thực hiện theo tiêu chí của y tế công lập, không thể đưa yếu tố “tài chính” lên trên, “tận thu’ với người bệnh. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bệnh viện cực kỳ khó khăn, phải xoay sở để đảm bảo đời sống của cán bộ viên chức người lao động và về lâu dài ảnh hưởng sự tồn tại của chính bệnh viện. Dù chế độ chính sách cho nhân viên y tế được thay đổi nhưng nguồn thu của bệnh viện không đảm bảo để chi trả thì việc giữ nhân lực tốt tại y tế tuyến cơ sở càng khó khăn. Từ đó, người dân, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế, người có thu nhập thấp sẽ chịu thiệt thòi trong khám chữa bệnh. Điều đó lại ngược với mục tiêu của chuyển đổi cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

tm-img-alt
Là đơn vị tuyến quận, huyện thuộc diện mạnh nhất ở Hải Phòng song BVĐK Thủy Nguyên cũng “khóc ròng” vì khó khăn

Liệu có mất vai trò an sinh xã hội của y tế quận, huyện?

Theo của bác sỹ Trần Thị Thu Hường- Giám đốc BVĐK Ngô Quyền, nếu thực hiện tự chủ nhóm 2, không được sự hỗ trợ của ngân sách, bắt buộc các bệnh viện phải tìm cách tận thu để tồn tại, vô hình chung đánh mất vai trò an sinh xã hội của đơn vị y tế công lập tuyến cơ sở.

Cùng trong nhóm bệnh viện tự chủ mức 3, Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên mặc dù xếp vị trí hàng đầu tuyến quận huyện nhưng khi bước vào tự chủ chi thường xuyên cũng bao phen “khốn đốn” vì thu không đủ chi.

Năm 2019, BV Thủy Nguyên thực hiện tự chủ 70%, thời điểm đầu, bệnh viện còn được ngân sách hỗ trợ 3 tỉ nên đủ chi. Nhưng kể từ đầu năm 2022 đơn vị phải tự chủ 100%. Giai đoạn này (tháng 1 – tháng 3/2022), dịch COVID-19 tràn qua Hải Phòng nên toàn bộ nhân lực dồn sức cho chống dịch; các khoa, phòng cũng dồn cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Thời điểm này, bệnh nhân đến điều trị hay khám chữa bệnh chỉ có 200 người nên bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của vị đại diện lãnh đạo Bệnh viện Thủy Nguyên, chưa khi nào ngành y lại cảm thấy bị “bó tay, bó chân” như bây giờ. Giai đoạn tự chủ cũng là giai đoạn thông tuyến BHYT. Việc thông tuyến BHYT là cơ sở tốt bảo vệ quyền lợi cho người dân trong khám chữa bệnh nhưng cần có lộ trình và lên phương án chuẩn bị cho thật tốt như cơ sở vật chất, trang thiết bị… để các bệnh viện có thời gian xây dựng và chủ động. 

Vị lãnh đạo này còn ví “trước khi cho con ra ở riêng cần chuẩn bị cho nó những điều kiện tốt đủ để nó mưu sinh cho bản thân và gia đình của mình”. Việc thông tuyến BHYT  tương đối sớm làm các bệnh viện tuyến cơ sở chưa kịp chuẩn bị. Trước đây, các khoa Sản, liên khoa Răng-Hàm-Mặt hay Ngoại khoa rất đông bệnh nhân nhưng kể từ khi thông tuyến, đơn vị mất đi một nửa bệnh nhân.

tm-img-alt
Nhà giặt sấy của BVĐK Ngô Quyền quá cũ, thiết bị lại lỗi thời lạc hậu

Theo vị lãnh đạo này, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công, với cơ chế thị trường để tạo ra sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giữa các cơ sở y tế. Tuy nhiên, để thực hiện tốt lộ trình tự chủ, thiết nghĩ, cần tiếp tục xây dựng hệ thống y tế hoàn chỉnh và đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. 

Đối với các đơn vị y tế có nguồn thu thấp, không tự cân đối được chi thường xuyên, cần được thành phố hỗ trợ chi phí tiền lương, các khoản phụ cấp, khoản đóng góp, để bảo đảm đời sống của cán bộ, y, bác sỹ… Từ đó, tạo ra sản phẩm cho xã hội, đó là dịch vụ y tế có chất lượng phù hợp với tất cả các đối tượng, bảo đảm chăm sóc y tế cơ bản cho mọi người và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Về kinh phí thực hiện tự chủ, ngân sách cấp cho đơn vị y tế quận, huyện…, Giám đốc TTYT quận Hồng Bàng cho rằng, hiện chỉ đáp ứng được một phần tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp. Thu dịch vụ khám chữa bệnh của TTYT Hồng Bàng thấp, đơn vị không có các nguồn thu khác, nhiều nhân lực bỏ việc hoặc chuyển công tác ra y tế tư nhân … Chưa kể việc thanh toán chi phí chữa bệnh, BHYT liên quan đến dự án chi và tổng mức thanh toán hằng năm còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và nguồn thu của đơn vị. Trong hơn 3 năm qua, ngoài cố gắng co kéo để chi lương cho anh em thì bệnh viện và TTYT Hồng Bàng không còn một khoản chi nào khác kể cả phụ cấp, hay là tiền thưởng.

Làm gì để phát huy được ưu điểm của tự chủ?

Tại hội nghị, đông đảo ý kiến các lãnh đạo bệnh viện công lập cho rằng, mức độ tự chủ bệnh viện cần phù hợp với từng hạng bệnh viện, từng tính chất của bệnh viện mới phát huy được ưu điểm của tự chủ. Y tế công tuyến cơ sở thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo tính chất an sinh xã hội nên vẫn cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong chi thường xuyên để giữ được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đảm bảo cho nhân dân được hưởng dịch vụ y tế công tuyến cơ sở chất lượng tốt.

Tham dự hội nghị, ông Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đánh giá, những nội dung báo cáo của các bệnh viện ngày hôm nay cho thấy còn nhiều vướng mắc cần được các ban ngành thành phố lưu tâm, xem xét, tháo gỡ. Qua báo cáo và ý kiến phát biểu tham luận cho thấy chỉ có nhóm tự chủ mức 1, mức 2 có thể làm tốt, còn những đơn vị y tế quận, huyện thì rất khó khăn.

Trên thực tế, khi xuống thăm một số bệnh viện như BV Lao phổi, BV An Lão, Ngô Quyền… phải thừa nhận máy móc, cơ sở vật chất của bệnh viện rất cũ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhiều nhân lực chất lượng cao rời đơn vị sang tư nhân ….

Đầu tư công cho ngành y tế gần như là không có, chỉ trông chờ vào các khoản chi sự nghiệp mà khoản đó thì chỉ đủ cho sửa chữa trong thời gian dài. Tự chủ thì bệnh viện  phải đẹp, khang trang, phải có nguồn lực tài chính để thu hút nhân lực, phải chữa được bệnh thì mới thu hút được bệnh nhân và tạo ra nguồn thu. 

Trước những ý kiến từ các đơn vị bệnh viện công lập về bài toán tự chủ, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, yêu cầu Sở Y tế tham mưu chính sách để thu hút và hỗ trợ nguồn nhân lực, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tham mưu thành phố ban hành quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước để thay thế Nghị quyết số 32 của Hội đồng nhân dân thành phố đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị công lập y tế, đặc biệt tuyến quận, huyện và cơ sở để đảm bảo có đủ điều kiện thực hiện tự chủ tài chính; bố trí kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế theo hướng phân bổ trực tiếp cho các đơn vị để rút ngắn thời gian thực hiện lộ trình tự chủ. Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quản trị bệnh viện, đảm bảo cân đối thu-chi, tự chủ về tài chính, có hiệu quả.

Bảo My (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích