Nhiều bệnh nhân nguy kịch do bệnh viện tuyến cuối thiếu thuốc giải độc

Nhiều bệnh nhân nguy kịch do bệnh viện tuyến cuối thiếu thuốc giải độc

MTĐT –  Thứ năm, 08/09/2022 10:25 (GMT+7)

Nếu trước đây bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy…

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế đầu ngành về điều trị ngộ độc đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất, điều này đã khiến cho tính mạng nhiều bệnh nhân trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, có thể làm đảo ngược tình trạng của bệnh nhân từ một người trạng thái ngộ độc nặng nhanh chóng trở về trạng thái hết ngộ độc, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu hiện đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả các biện pháp có thể để giúp cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh.

Thiếu thuốc giải độc, nhiều bệnh nhân tuyến cuối nguy kịch - Ảnh 1.
Thiếu thuốc giải độc, nhiều bệnh nhân tuyến cuối nguy kịch - Ảnh 2.
Bệnh nhân khắc khoải nằm chờ thuốc giải độc.

Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai gần một tuần vì rắn cạp nia cắn nhưng bệnh nhi nam T.Q.T (Bắc Ninh) vẫn trong tình trạng hôn mê, liệt rất nặng. Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc nên với những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này, có thể phải thở máy từ 2 tuần đến 1 tháng. Trong khi nếu có thuốc thì chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.

Chị N.T.H – mẹ cháu T. chia sẻ: “Bác sĩ bảo thuốc truyền để chữa nọc rắn chưa có, các bác sĩ cũng đang cố gắng hết sức để điều trị. Tôi cũng mong sớm có thuốc để những trường hợp như con tôi cũng như các cháu khác nhanh bình phục”.

Tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng đang điều trị cho 2 cháu được chẩn đoán là ngộ độc asen – một loại chất rất độc. 2 bệnh nhi đã được sử dụng 2 loại thuốc giải độc đơn giản nhưng không may thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều, và đều gây dị ứng cho các cháu, dẫn đến không còn thuốc nào để thải asen ra khỏi cơ thể. Mặc dù có những loại thuốc tốt hơn nhưng bệnh viện cũng không thể mua ngay để điều trị cho bệnh nhân.

BS. Nguyên cũng thông tin thêm: “Tuần trước, Trung tâm Chống độc có một bệnh nhân người Lào tổn thương não do ngộ độc thủy ngân rất nặng, thuốc giải độc đơn giản chúng ta đang có không thể tới được não để giúp cho bệnh nhân, hiệu quả rất kém, bệnh nhân tiên lượng rất xấu với não.

Rồi những bệnh nhân ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, cần thuốc giải độc truyền vào máu để cứu sống, rồi bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol hiện nay cũng thiếu thuốc giải độc để cứu mạng, bảo vệ não và gan, rất nhiều các thuốc giải độc đều rất thiếu”.

Nếu trước đây bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy. Bệnh nhân đành phải chờ đợi thầu, chờ đợi các thủ tục, và hệ quả là bệnh nhân bị tổn thương não, khả năng tử vong cao.

Trong khi đó thuốc giải độc là các thuốc đặc biệt, có thể xếp vào nhóm “thuốc mồ côi” (tức các loại thuốc để điều trị các bệnh hiếm gặp), số lượng không quá nhiều như các thuốc thông thường mặc dù hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, các công ty không muốn nhập về vì lợi nhuận thấp. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước khuyến cáo thuốc giải độc cần phải đưa vào danh mục thuốc đặc biệt, thuốc hiếm, vì vậy nhà nước cần có vai trò điều phối, thậm chí mua cho các bệnh viện.

“Thực sự rất cần nhà nước điều phối trong vấn đề này, như thế là hiệu quả nhất.” – BS Nguyên cho hay.

Không chỉ thiếu thuốc giải độc, ở phòng tuyến cuối cùng về điều trị ngộ độc này cũng đang thiếu những vật tư y tế quan trọng như quả lọc máu để thải độc cho bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 ( thành phố Hồ Chí Minh) cũng trong tình trạng hết huyết thanh kháng độc rắn cạp nia khi tiếp nhận một bệnh nhi bị loại rắn này cắn. Bệnh viện đã phải sử dụng 5 lọ huyết thanh kháng độc rắn hổ đa giá cuối cùng để cứu sống bệnh nhân này.

Các bác sĩ đang hàng ngày, hàng giờ cố hết sức để giành lại sự sống cho người bệnh, nhưng khi trong tay thiếu những vũ khí đặc hiệu và quan trọng thì có những trường hợp, họ chỉ còn biết bất lực nhìn bệnh nhân ra đi trong sự tiếc nuối./.

Bảo My (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích