Nhiệt độ đại dương cao kỷ lục đe doạ rạn san hô lớn nhất thế giới
Nhiệt độ đại dương cao kỷ lục đe doạ rạn san hô lớn nhất thế giới
Nhiệt độ nước biển xung quanh rạn san hô Great Barrier của Australia đã tăng lên mức cao nhất trong 400 năm qua, khiến các chuyên gia lo ngại nguy cơ đe dọa sự tồn tại của rạn san hô lớn nhất thế giới này.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 7/8, các nhà nghiên cứu Australia đã kiểm tra nhiệt độ bề mặt ở Biển San Hô – một dải đại dương dài 2.000 km bao gồm cả Rạn san hô Great Barrier. Họ sử dụng các mẫu xương san hô để tái tạo nhiệt độ bề mặt biển trong giai đoạn từ năm 1618 đến năm 1995, cũng như trong thời gian gần đây.
Kết quả nghiên cứu cho thấy ở thời điểm trước năm 1900, nhiệt độ đại dương tương đối ổn định, nhưng nước biển đã ấm lên trung bình 0,12 độ C kể từ năm 1960 cho đến nay. Nhiệt độ thậm chí còn cao hơn trong 5 đợt tẩy trắng trên diện rộng gần đây vào các năm 2016, 2017, 2020, 2022 và 2024. Theo báo cáo, việc nước biển ấm hơn đáng kể rất có thể là do tình trạng biến đổi khí hậu mà tác nhân chính các hoạt động của con người gây ra.
Đồng tác giả của nghiên cứu trên, chuyên gia khí hậu Helen McGregor thuộc trường Đại học Wollongong cho biết bà “vô cùng lo ngại” về rạn san hô, do tình trạng nhiệt độ tăng “chưa từng có” này. Theo bà, mặc dù san hô có thể phục hồi, nhưng nhiệt độ tăng cao và các sự kiện tẩy trắng liên tục đã làm suy giảm khả năng này. Chuyên gia này nêu rõ: “Những thay đổi này – từ những gì chúng ta thấy cho đến nay – dường như diễn ra quá nhanh khiến san hô không thể thích nghi nên thực sự đe dọa rạn san hô như chúng ta đã biết”.
Trong khi đó, Giám đốc Bảo tồn đại dương thuộc Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên Australia – ông Richard Leck nhận định rạn san hô Great Barrier “ngày càng dễ bị tổn thương”. Ông cho biết: “Hiện tại, chúng ta có thể thấy rạn san hô có khả năng phục hồi. Nó đã phục hồi sau các đợt san hô bị tẩy trắng trước đây, nhưng đến một lúc nào đó, sức chống chịu sẽ không còn nữa. Rạn san hô sẽ là hệ sinh thái đầu tiên trên hành tinh bị đe dọa sự tồn tại do biến đổi khí hậu”.
Thường được ví là “cấu trúc sống lớn nhất thế giới”, rạn san hô Great Barrier trải dài 2.300km là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật tuyệt đẹp, bao gồm hơn 600 loại san hô và 1.625 loài cá. Tuy nhiên, các đợt tẩy trắng quy mô lớn lặp đi lặp lại đã đe dọa hệ sinh thái mong manh của rạn san hô. Hiện tượng tẩy trắng san hô được kích hoạt khi nhiệt độ nước biển ấm hơn thường lệ khiến san hô trục xuất các loại tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng. San hô không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của tảo cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô.
Mặc dù san hô có thể phục hồi nhưng nhiệt độ ngày càng tăng cao và các sự kiện tẩy trắng lặp đi lặp lại đang làm giảm khả năng đó.
Sự kiện tẩy trắng năm nay đã khiến 81% rạn san hô bị thiệt hại ở mức độ cực đoan hoặc cao – một trong những thiệt hại nghiêm trọng và lan rộng nhất từng được ghi nhận – theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Australia.
Các nhà khoa học sẽ mất thêm vài tháng nữa để xác định xem có bao nhiêu rạn san hô không thể phục hồi.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị