Nhiệt điện Quảng Ninh: Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Đa dạng giải pháp chuyển đổi số
Quyết tâm không ở lại phía sau trên lộ trình chuyển đổi số, là nhà máy sản xuất điện có quy mô lớn, công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh luôn nỗ lực áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đứng trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần đạt được như xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số; xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động trong công ty.
Để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, QTP đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; xây dựng Đề án chuyển đổi số tại công ty; đẩy mạnh công tác đào tạo nhận thức, tư duy cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) về chuyển đổi số; phát động các phong trào sáng kiến, ý tưởng, từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Cụ thể, để quá trình chuyển đổi số được thực hiện nghiêm túc, bài bản, QTP đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, bao gồm các đồng chí trong Ban lãnh đạo, Trưởng các phòng, phân xưởng và thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo gồm 16 người. Bên cạnh đó, QTP đã thành lập 10 tổ rà soát mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại 10 phòng/phân xưởng của công ty; đồng thời tiến hành nâng cao hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, lắp đặt thêm wifi ở nhiều vị trí, đảm bảo ổn định kết nối mạng trên diện rộng.
Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nhận thức, tư duy cho CBCNV về chuyển đổi số, QTP đã khẩn trương tổ chức lớp đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số vào tháng 4/2021; Thực hiện đào tạo thông qua tự học tập, nghiên cứu bài giảng trên E-office vào tháng 9/2021; Phổ biến rộng rãi Sổ tay chuyển đổi số qua các kênh nội bộ và nền tảng xã hội; Tiến hành đào tạo và kiểm tra nhận thức chuyển đổi số trên phần mềm E-learning cho toàn thể CBCNV công ty, hoàn thành 100% đối với CBCNV công ty vào ngày 01/12/2021.
Nhiều giải pháp, phần mềm được hoàn thiện để nâng cao công tác quản lý, vận hành như phần mềm PMIS, nhật ký vận hành điện tử áp dụng đối với chức danh Trưởng ca; số hóa hệ thống kết nối điều khiển PLC cho các máy đánh đống, phá đống (thay thế cáp điều khiển sang lắp đặt thiết bị wifi kết nối); hoàn thành module “Tính toán online hiệu suất Lò hơi, tuabin trên DCS” áp dụng với Tổ máy số 1 và Tổ máy số 2…
Công tác văn phòng số được QTP đẩy mạnh thực hiện, đạt được hiệu quả cao với việc trang bị chữ ký số cho 100% cán bộ quản lý, tỷ lệ lập hồ sơ công việc trên E-Office luôn đạt từ 85-90%. công ty đã thành lập Tổ công tác chỉnh lý – số hóa hồ sơ tài liệu để thực hiện đối với Kho Văn thư – Lưu trữ của công ty. Ngày 01/12, QTP đã tổ chức đào tạo trực tuyến, hướng dẫn cán bộ công nhân viên về lập hồ sơ công việc, quy trình chỉnh lý tài liệu, và tự thực hiện sàng lọc, phân loại tài liệu giấy tồn đọng tại các đơn vị.
QTP đã thực hiện trên 95% các gói thầu qua mạng với những gói thầu đủ điều kiện đấu thầu qua mạng; trong năm 2021, số lượng gói thầu đủ điều kiện đấu thầu qua mạng được thực hiện đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, QTP cũng cập nhật các thiết bị công nghệ vào công việc, nhiều phần mềm được khai thác và đưa vào sử dụng như giám sát an ninh, chấm công nhận diện khuôn mặt (Face ID) bằng camera AI; áp dụng khai báo thông tin khách đến làm việc và khai báo y tế bằng khai báo điện tử qua QR code; sử dụng App Mobile (Khai thác BRAVO) duyệt chứng từ; Thông báo phiếu lương tự động qua Email…
Bước đột phá trong chuyển đổi số trong quản lý vật tư
Đối với công tác quản lý vật tư, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh hiện có hơn 26.500 mã vật tư phục vụ hoạt động sản xuất. Mỗi mã vật tư lại cần kèm theo nhiều thông tin để quản lý như: chủng loại, số lượng, thông số kỹ thuật, vị trí của sản phẩm trong kho hàng, thời gian nhập kho, xuất kho… cách quản lý vật tư theo phương pháp thủ công gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Để giải quyết những tồn tại này, QTP đã từng bước triển khai việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vật tư. Nhiều năm qua, công ty đưa vào Hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp Bravo, trong đó tích hợp phân hệ quản lý về mua sắm, tổng hợp nhu cầu vật tư. Việc xây dựng hệ thống quản lý với sự hỗ trợ của phần mềm Bravo đã góp phần giúp quá trình thực hiện các công việc liên quan về mua sắm vật tư được khoa học và hiệu quả.
Nhằm đồng bộ và nâng cao hiệu quả quản lý bằng chuyển đổi số, từ đầu năm 2022, QTP tiếp tục triển khai chương trình “Áp dụng mã số – mã vạch trong công tác quản lý vật tư” bằng phần mềm QR Code. QR code viết tắt của Quick Response Code (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh), đây là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hoặc ipad, điện thoại thông minh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. Khi quản lý kho bằng QR Code thì các thông tin vật tư sẽ được tự động mã hóa, người phụ trách sẽ in ra để dán lên sản phẩm khi nhập kho.
Như vậy, khi xuất kho hoặc nhập kho hàng hóa, nhân viên chỉ cần quét mã QR bằng các thiết bị chuyên dụng thì mọi thông tin sẽ được hiển thị. Đồng thời hệ thống cũng sẽ ghi nhận và tự động tạo phiếu xuất, nhập kho, với tất cả các thông tin về sản phẩm. Mọi công việc và quy trình sẽ đơn giản hơn rất nhiều, giúp các bộ phận liên quan chủ động trong việc theo dõi hàng tồn kho trên hệ thống; giảm chi phí tồn kho do luôn kiểm soát được tồn kho tổi thiểu và trợ giúp quyết định mua mới vật tư.
Đến nay, công ty đã số hóa được 100% danh mục mã vật tư và cung cấp gần 27.000 ảnh vật tư lên hệ thống phần mềm quản lý mã vạch. Đồng thời trong đợt này, các cán bộ phụ trách kho công ty cũng sắp xếp, phân loại, hệ thống hóa các khu vực lưu trữ hàng hóa một cách gọn gàng, khoa học, giúp thuận tiện cho việc tìm kiếm, xuất kho.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong toàn bộ hoạt động, không chỉ gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế – xã hội mà còn là nền tảng để tạo bước đột phá, QTP sẽ đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong tương lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu