Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường- Bộ TNMT
Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường- Bộ TNMT
Ngày 7/11/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Quyết định 3026/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về: kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải và phế liệu; quản lý chất lượng môi trường; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường; phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quan trắc môi trường; quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy; chứng nhận hoặc công nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; tổ chức thực hiện các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Theo Quyết định 3026/QĐ-BTNMT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường có 25 nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Chiến lược, cơ chế, chính sách và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
b) Quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án, dự án liên tỉnh, vùng và quốc gia về kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; quản lý chất lượng môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; quan trắc môi trường và đánh giá chất lượng môi trường;cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy; hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác; quản lý và phát triển sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường và Nhãn sinh thái Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
c) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, tiêu chuẩn môi trường, quy định quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
2. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, chương trình, đề án, dự án, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục sau khi được ban hành.
3. Về kiểm soát nguồn ô nhiễm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện công tác điều tra, kiểm kê, thống kê nguồn thải, nguồn ô nhiễm trên phạm vi cả nước;
c) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.
4. Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Hướng dẫn, kiểm tra công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
b) Hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn định mức kinh tế – kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn;
c) Hướng dẫn, kiểm tra công tác đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động, tái sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt;
d) Hướng dẫn, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức, hướng dẫn chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
5. Về quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, hoạt động tái chế, tái sử dụng, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường đối với khu vực lưu giữ, phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện khai báo, phân loại, lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại và yêu cầu bảo vệ môi trường đối với thiết bị, bao bì, nơi lưu chứa chất thải nguy hại; yêu cầu bảo vệ môi trường với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại;
d) Hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng;
đ) Hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải nguy hại đối với chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.6. Hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp quốc gia theo quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ xác định thiệt hại đối với môi trường xảy ra trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên thuộc phạm vi quản lý của Cục.
7. Về quản lý chất lượng môi trường môi trường không khí:
a) Tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí; đánh giá diễn biến chất lượng môi trường không khí;
c) Trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên vùng, liên tỉnh;
d) Xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Viêt Nam.
8. Về quản lý chất lượng môi trường nước mặt:
a) Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường;
b) Tổ chức quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước; đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; công bố các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải đối với sông, hồ liên tỉnh;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ nội tỉnh của các địa phương.
9. Về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác xử lý, cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường các khu vực khai thác khoáng sản; khu vực môi trường ô nhiễm, suy thoái thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng, trình ban hành và hướng dẫn thực hiện Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng; hướng dẫn, kiểm tra công tác phân loại, điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đất và công bố thông tin về các khu vực ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý và cải thiện chất lượng môi trường khu đô thị và nông thôn; theo dõi việc thực hiện các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
10. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường, thông tin, cảnh báo về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường quốc gia; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; quản lý thôngtin, dữ liệu quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; quản lý việc truyền, nhận dữ liệu và công bố, công khai kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật; tích hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật về quan trắc môi trường và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường.
11. Hướng dẫn lập báo cáo hiện trạng môi trường, trình Bộ công bố báo cáo hiện trạng môi trường; tổ chức lập báo cáo tổng quan và báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia.
12. Quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; kiểm soát nguồn phát sinh các chất ô nhiễm khó phân hủy; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP); hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đánh giá sự phù hợp, dán nhãn, công bố thông tin đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; kiểm tra, giám sát việc ngừng nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất POP làm nguyên liệu sản xuất theo quy định về đăng ký miễn trừ các chất POP.
13. Xây dựng, trình ban hành và kiểm tra việc thực hiện tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam; hướng dẫn, kiểm tra việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; công bố và cập nhật danh mục sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam; trình ký thoả thuận và công bố các nội dung thoả thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường với các tổ chức chứng nhận nhãn sinh thái quốc tế; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường và chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.
14. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn ứng dụng, triển khai, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng và tổ chức triển khai các dự án, đề án, công trình thử nghiệm ứng dụng khoa học, công nghệ về kiểm soát ô nhiễm môi trường, mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng và tổ chức triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện môi trường.
15. Làm đầu mối phối hợp với các Hội, Tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển trong việc thực hiện các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường; xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường; đề xuất các chủ trương, chính sách hợp tác về kiểm soát ô nhiễm môi trường với các quốc gia trong khu vực có chung đường biên giới với Việt Nam; đề xuất tham gia đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện cam kết, điều ước, thỏa thuận quốc tế; tham gia các dự án hợp tác, các tổ chức, diễn đàn quốc tế về kiểm soát ô nhiễm môi trường; tổ chức theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình về các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, đề xuất Bộ trưởng xử lý các vấn đề có liên quan; làm đầu mối chủ trì thực hiện Công ước Stockholm, Công ước Basel và cácđiều ước, thỏa thuận quốc tế khác trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường theo phân công của Bộ trưởng.
16. Về giấy phép môi trường, chứng nhận, đăng ký môi trường:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thẩm định việc cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi: giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ và theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức thẩm định việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; nhãn sinh thái Việt Nam cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ và theo quy định của pháp luật;d) Thực hiện việc đăng ký miễn trừ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ và các giấy phép, giấy chứng nhận, xác nhận, thừa nhận, chứng chỉ khác về môi trường theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;đ) Hướng dẫn việc tiếp nhận đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật;
e) Trình Bộ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định, tổ thẩm định, đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường, chứng nhận môi trường; phê duyệt kết quả thẩm định và cấp giấy phép môi trường, chứng nhận môi trường; thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP.
17. Thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các giấy phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục; tổ chức thanh tra, giám sát về môitrường theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng; tiếp nhận, xử lý các kiến nghị về môi trường theo thẩm quyền của Cục.
18. Về xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về kiểm soát ô nhiễm môi trường:
a) Xây dựng, cập nhật, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về kiểm soát ô nhiễm môi trường phục vụ công tác quản lý của Cục và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia: kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; xử lý ô nhiễm môi trường;phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; quản lý và cải thiện chất lượng môi trường; bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác; thanh tra, kiểm tra; cấp phép môi trường, chứng nhận môi trường; quản lý và phát triển sảnphẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường và Nhãn sinh thái Việt Nam;
b) Tổng hợp, phân tích, đánh giá các số liệu, dữ liệu, xây dựng các báo cáo kết quả phục vụ công tác quản lý nhà nước của Cục.
19. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường; tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo quy định.
20. Quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật.
21. Tổ chức thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật và theo chương trình, kế hoạch của Bộ.
22. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao thuộc Cục theo phân công của Bộ trưởng và theo quy định của pháp luật; thực hiện trách nhiệm của đơn vị dự toán ngân sách đối với các đơn vị dự toán trực thuộc Cục theo quy định của pháp luật.
23. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế; công chức, viên chức và người lao động; thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Cục theo quy định và phân công của Bộ trưởng.
24. Thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất về kiểm soát ô nhiễm môi trường và tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
25. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác do Bộ trưởng phân công.
Cơ cấu tổ chức:
Gồm 13 đơn vị trực thuộc gồm:
1.Văn phòng;
2.Phòng Kế hoạch – Tài chính;
3.Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt;
4.Phòng Quản lý chất thải công nghiệp và nguy hại;
5.Phòng Quản lý chất lượng môi trường;
6.Phòng Quản lý quan trắc môi trường;
7.Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc;
8.Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây nguyên;
9.Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam;
10.Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc;
11.Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên;
12.Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam
13.Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị