Nhật Bản khởi động dự án nghiên cứu lực hấp dẫn nhân tạo

Nghiên cứu của đại học Kyoto và công ty xây dựng Kajima (Nhật Bản) được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa khả năng cho phép con người sinh sống ngoài vũ trụ.

nhat ban khoi dong du an nghien cuu luc hap dan nhan tao
Đồ họa mô hình cơ sở tạo ra lực hấp dẫn trên Mặt trăng. Ảnh: Kajima Corp.

Theo Asahi Shimbun, các nhà khoa học tại đại học Kyoto và công ty xây dựng Kajima vừa công bố kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và phương tiện giao thông hỗ trợ sự sống của con người trên Mặt trăng và sao Hỏa.

Trong cuộc họp báo ngày 5/7, ông Yosuke Yamashiki – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu con người và vũ trụ tại Đại học Kyoto – phát biểu: “Kế hoạch này là độc nhất trên toàn thế giới. Nó đại diện cho những công nghệ quan trọng đảm bảo con người có thể sinh sống ngoài vũ trụ trong tương lai”.

Trọng tâm của kế hoạch là xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng lực nhân tạo. Cụ thể, những cơ sở này có thể tạo ra lực hấp dẫn tương tự như trên Trái đất bằng lực ly tâm từ chuyển động quay. Những cơ sở này có tên gọi Kính Mặt Trăng và Kính Sao Hỏa.

Thông thường, lực hấp dẫn trên Mặt trăng và sao Hỏa lần lượt chỉ bằng 1/6 và 1/3 trọng lực Trái đất. Công nghệ mới sẽ giảm thiểu tác hại tới sức khỏe của con người khi sinh sống trên những hành tinh có lực hấp dẫn thấp.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng dự định gây dựng rừng và bồi đắp sông để mô phỏng sự đa dạng sinh học trên Trái đất.

Dự án cũng bao gồm xây dựng hệ thống phương tiện giao thông mang tên “Hệ thống tàu vũ trụ” di chuyển giữa Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa. Với quy mô bằng hệ thống đường sắt cao tốc Shinkasen và có lực hấp dẫn nhân tạo, loại phương tiện mới sẽ vận hành giống như tàu hỏa trên Trái đất.

Ga tàu sẽ được đặt tại các vệ tinh quanh Trái đất, Mặt trăng và sao Hỏa. Tàu sẽ hoạt động nhờ động cơ tuyến tính hoặc động cơ tên lửa. Các toa tàu di chuyển theo hình lục giác giữa các hành tinh để tránh bức xạ vũ trụ.

Tuy vậy, những ý tưởng trên chỉ mãi đến thế kỷ 22 mới có thể khả thi. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất được cho là tối thiểu mất 100 năm, song các nhà khoa học đặt mục tiêu hoàn thành một phiên bản đơn giản hơn trước năm 2050.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích