Nhật Bản đón cơn bão mới đúng dịp nghỉ lễ
Nhật Bản đón cơn bão mới đúng dịp nghỉ lễ
Sau bão Khanun, một cơn bão mới dự kiến đổ bộ vào Nhật Bản đúng dịp nghỉ lễ, gây gió mạnh và mưa lớn, đặc biệt có nguy cơ tiến sát thủ đô Tokyo.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo bão Lan sẽ đổ bộ đảo chính Honshu vào ngày 15/8, mang theo mưa lớn và gió giật dữ dội.
Một số khu vực có thể chứng kiến lượng mưa lên tới 50 cm trong 24 giờ tính đến 6h sáng 15/8. Sau đó, mưa sẽ nặng hạt hơn khi bão quét qua nhiều vùng trên cả nước.
Theo trưởng nhóm dự báo của JMA, Shuichi Tachihara, bão di chuyển với tốc độ chậm sẽ gây những tác động kéo dài. Có những địa phương sẽ chứng kiến lượng mưa trong một ngày nhiều hơn lượng mưa trung bình cả tháng 8.
Bão Lan hiện đang di chuyển về phía Nam của chuỗi đảo Izu và tiếp cận phía Đông và Tây Nhật Bản, với những trận mưa lớn được dự báo ở những khu vực này từ ngày 14 đến 15/8. Vùng Tokai có thể có lượng mưa lên tới 300mm, trong khi vùng Kinki có thể lên tới 200mm. Khu vực Shikoku dự kiến sẽ nhận được lượng mưa khoảng 150mm, trong khi quần đảo Kanto-Koshin và Izu có thể hứng chịu lượng mưa khoảng 100mm, theo báo cáo của JMA.
Các mô hình dự báo bão cho thấy, bão dự kiến đổ bộ theo bờ biển phía nam hoặc gần tỉnh Wakayama, cách các thành phố lớn Osaka và Kyoto khoảng 100 km về phía bắc, cách Nagoya 190 km về phía đông bắc.
Osaka – khu vực đô thị lớn thứ hai ở Nhật Bản với dân số 3 triệu người – và Kyoto, với dân số 1,3 triệu người – cả hai đều có khả năng nằm trên đường đi của bão Lan sau khi bão đổ bộ, tuy nhiên, cũng không thể loại trừ tác động đến Nagoya.
Tính đến 10h sáng 13/8, bão Lan ở vị trí cách đảo Hachijo-jima ở Tây Thái Bình Dương khoảng 350 km về phía Nam. Với sức gió giật có lúc lên 198 km/h, bão Lan đang di chuyển theo hướng Tây Bắc và được dự báo sẽ đổ bộ bán đảo Kii trong ngày 15/8.
Bão Lan tấn công Nhật Bản đúng dịp nước này bắt đầu tuần nghỉ lễ Obon. Vào dịp này hằng năm vẫn có hàng triệu gia đình Nhật Bản trở về quê nhà sum họp gia đình. Các đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đều khuyến cáo người dân cân nhắc thay đổi kế hoạch đi lại để tránh bão. Các hãng hàng không và công ty vận hành tàu điện không loại trừ khả năng có thể hủy hoặc hoãn dịch vụ do ảnh hưởng của bão.
Công ty đường sắt Trung Nhật Bản (JRC) cho hay trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị ứng phó với bão Lan, công ty sẽ hủy tất cả các dịch vụ trên tuyến tàu cao tốc Tokaido Shinkansen nối giữa các ga Nagoya và Shin-Osaka trong ngày 15/8, trong khi Công ty đường sắt Tây Nhật Bản cho biết có thể hủy các dịch vụ giữa các ga Shin-Osaka và Okayama.
JRC cho biết thêm các dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen giữa các ga Tokyo và Nagoya trong ngày 15/8 cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể và không cần đặt chỗ trước đối với hầu hết các chuyến tàu cao tốc. Mặc dù việc ngừng khai thác các dịch vụ chưa được lên kế hoạch trong ngày 14/8 và 16/8 nhưng nhà điều hành cũng cảnh báo hành khách về khả năng thay đổi đột ngột các dịch vụ.
Trong khi đó, hãng hàng không Japan Airlines Co. đã hủy 19 chuyến bay đến và đi từ sân bay Itami ở miền Tây Nhật Bản trong ngày 14/8 và 240 chuyến bay trong ngày 15/8, gây ảnh hưởng đến khoảng 24.800 người.
Tính đến 9h sáng 14/8 theo giờ địa phương, bão Lan ở vị trí cách mũi Shionomisaki thuộc tỉnh Wakayama 260 km về phía Đông Nam và đang di chuyển theo hướng Tây Bắc. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết sức gió của bão Lan lên tới 198 km/h.
Tây Thái Bình Dương là khu vực phát sinh nhiều bão nhất trên thế giới, chiếm 1/3 tổng số bão toàn cầu hàng năm. Vị trí địa lý của Nhật Bản khiến nước này thường xuyên bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương trước các cơn bão. Trung bình có 2,6 cơn bão đổ bộ vào bốn hòn đảo lớn của Nhật Bản kể từ khi hồ sơ về các cơn bão được lưu giữ từ năm 1951.
Tác động của những cơn bão như bão Lan đối với các vùng ven biển của Nhật Bản là rất lớn. Sự kết hợp của gió mạnh, tổng lượng mưa lớn và nước dâng do bão có khả năng dẫn đến lũ lụt, sạt lở đất trên diện rộng và gây hại cho cơ sở hạ tầng.
Các khu đô thị đông dân cư của Nhật Bản đặc biệt gặp rủi ro do số lượng lớn các tòa nhà và công trình quan trọng, làm tăng khả năng thương vong và thiệt hại tài sản.
Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều vào các biện pháp phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai để đối phó với tình trạng dễ bị tổn thương này. Các hệ thống giám sát và dự báo khí tượng phức tạp của quốc gia cho phép cảnh báo sớm, hiệu quả, kịp thời.
Hơn nữa, các tiêu chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn thiết kế cơ sở hạ tầng nghiêm ngặt đã được thực hiện để tăng cường sức mạnh và khả năng phục hồi của các công trình trước những cơn bão mạnh.
Tất cả các tòa nhà ở Nhật Bản phải tuân thủ các quy định về thiết kế, kỹ thuật và xây dựng để chịu đựng và tồn tại trước hoạt động địa chấn, gió mạnh, bão nhiệt đới như bão Lan và tuyết rơi dày.
Việc bố trí các con đường và tòa nhà được lên kế hoạch chu đáo để tạo điều kiện thoát nước mà không gây hư hại cho các tòa nhà hoặc cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ dọc theo bờ biển đã được thực hiện để chuyển hướng nước dâng do bão tiềm ẩn.
Chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt trong việc sẵn sàng ứng phó với trường hợp khẩn cấp, thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập an toàn cho cộng đồng địa phương để đảm bảo họ được chuẩn bị tốt cho các sự cố lớn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị