Nhật Bản đề xuất sửa đổi mức giới hạn dư lượng hóa chất nông nghiệp đối với nông sản xuất khẩu
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) vừa có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật về việc Nhật Bản đề xuất sửa đổi mức giới hạn dư lượng (MRL) đối với hóa chất nông nghiệp.
Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo số G/SPS/N/JPN/1266, G/SPS/N/JPN/1265 và G/SPS/N/JPN/1264 của Nhật Bản về việc đề xuất sửa đổi mức MRL đối với các hoạt chất: Isopyrazam; Hexaconazol và Benthiavalicarb-isopropyl.
Đối với hoạt chất Isopyrazam, với các loại rau củ thuộc họ cà (trừ cà chua, ớt ngọt, cà tím), Nhật Bản đề xuất tăng mức giới hạn dư lượng tối đa (MRL) từ 0,09 ppm lên 1 ppm; với quả đào đề xuất tăng MRL từ 5 ppm lên 6 ppm; với quả xuân đào đề xuất tăng MRL từ 0 lên 6 ppm.
Đối với hoạt chất Hexaconazole, với các loại rau củ thuộc họ cà (trừ cà chua, ớt ngọt và cà tím), Nhật Bản đề xuất tăng MRL từ 0 lên 0,2 ppm; với quả đào đề xuất mức MRL áp dụng lần đầu 0,7 ppm.
Ảnh minh họa
Đối với hoạt chất Benthiavalicarb-isopropyl, với hành hoa (bao gồm cả tỏi tây), Nhật Bản đề xuất giảm MRL từ 0,7 ppm xuống 0,5 ppm; đối với cà tím và các loại rau củ thuộc họ cà (trừ cà chua, ớt ngọt) đề xuất giảm MRL từ 2 ppm xuống 1 ppm; đối với quả chanh vàng và chanh xanh đề xuất giảm MRL từ 1 ppm xuống 0,7 ppm; đối với rau chân vịt và các loại rau thơm (trừ cải xoong, hẹ, thân và lá mùi tây, thân và lá cần tây) đề xuất tăng MRL từ 0 ppm lên 10 ppm.
Như vậy có thể thấy, Nhật Bản đề xuất nới lỏng mức MRL hơn với các hoạt chất: Isopyrazam; Hexaconazol; nhưng siết chặt hơn đối với hoạt chất Benthiavalicarb-isopropyl.
Hiện nay, nhiều loại nông sản Việt Nam hiện nay dù đã được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Australia,… tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Có thể thấy rằng, đây không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả.
Theo các chuyên gia, dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên ngoài việc đảm bảo chất lượng và số lượng ổn định cho đối tác, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng cần đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho trái cây mùa vụ bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,…
Khánh Mai (t/h)