Nhật Bản: Chi gần 4,8 tỷ USD bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân
Nhật Bản: Chi gần 4,8 tỷ USD bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân
Theo đó, Nhật Bản sẽ chi một khoản tiền khổng lồ để thực hiện các biện pháp nâng cao an toàn hạt nhân tại các nhà máy điện nguyên tử của nước này.
Nhằm thực hiện cam kết về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và phi các-bon hóa, Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến dự án ‘phát triển năng lượng điện nguyên tử thế hệ mới’, với nòng cốt là nâng cao tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.
Với phương châm tận dụng tối đa năng lượng điện nguyên tử và áp dụng quy chế tiêu chuẩn an toàn mới cho việc khởi động lại các nhà máy điện nguyên tử đang tạm dừng hoạt động cùng việc xây dựng mới các nhà máy điện nguyên tử khác, dự tính, khoản tiền phải chi ra cho khâu đảm bảo an ninh năng lượng nguyên tử của chính phủ Nhật Bản sẽ lên tới 700 tỷ yen (tương đương gần 4,8 tỷ USD).
Đây là một gánh nặng lớn cho Ngân sách nhà nước của Nhật Bản, trong khi kinh tế nước này vẫn chưa thoát ra hẳn khỏi tình trạng giảm phát kéo dài, vật giá tăng cao và chính phủ đang phải tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản vừa công bố Quy định sửa đổi Cơ chế hỗ trợ đối với các dự án năng lượng phi các-bon hóa, trong đó, chi phí để đảm bảo an toàn năng lượng điện nguyên tử được coi là một đối tượng cần ưu tiên. Cơ chế này cũng buộc các doanh nghiệp bán lẻ điện phải chịu một phần chi phí trong quá trình xây dựng mới các nhà máy điện sạch bao gồm cả điện mặt trời và điện gió, cũng như quá trình nâng cấp các nhà máy nhiệt điện để giảm phát thải.
Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân – nguyên tử đang chỉ ra nhiều vấn đề của phương châm này. Giáo sư Suzuki Tatsujiro thuộc Đại học Nagasaki nói: “Việc thay đổi phương châm về năng lượng nguyên tử chưa được bàn thảo đầy đủ. Cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn cần học tiếp bài học cảnh tỉnh từ sự cố Nhà máy điện nguyên tử Fukushima và vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ví dụ như vấn đề rác thải hạt nhân, vấn đề về các lò phản ứng của Fukushima, vấn đề bồi thường thiệt hại… Việc giải quyết xong các tồn tại rồi mới tính đến việc làm mới thứ khác là quy trình cần được tuân thủ”.
Sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima năm 2011 do động đất, sóng thần đã để lại những hậu quả thảm khốc mà Nhật Bản cần nhiều năm để khắc phục. Tuy nhiên, trước áp lực về nhu cầu năng lượng tăng cao, cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu… Nhật Bản vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng nguyên tử. Người ta hy vọng rằng, với những biện pháp mới, thảm họa Fukushima sẽ không tái diễn trong tương lai.
Thí nghiệm hải sản chứng minh độ an toàn nước xả từ nhà máy hạt nhân Fukushima
TEPCO – công ty điện lực Tokyo (đơn vị vận hành nhà máy điện hoạt nhân Fukushima Daiichi) – đã bắt đầu nuôi các loại sinh vật biểnvào tháng 9-2022, khoảng một năm trước khi đợt xả nước đã qua xử lý đầu tiên vào Thái Bình Dương bắt đầu vào ngày 24-8-2023.
Theo mô tả của The Straits Times (Singapore), hải sản trong bể màu vàng được nuôi trong nước đã được chế biến thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) nhằm loại bỏ chất phóng xạ, sau đó pha loãng với nước biển. Hỗn hợp này tương tự những gì Nhật Bản đang xả ra biển trong thời gian vừa qua.
Cá bơn, bào ngư và rong biển – tất cả các món ngon của vùng đông bắc Nhật Bản đều được nuôi tại chỗ trong thí nghiệm này. Các camera được lắp đặt để giám sát mọi biến đổi trong các bể.
Bằng cách phát trực tiếp các hoạt động của những con cá này 24/7, TEPCO muốn cho thế giới thấy rằng, nước được xả ra sau khi đã xử lý là an toàn và không có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới mặt nước biển.
Ông Kazuo Yamanaka, người giám sát phòng thí nghiệm thử nghiệm nuôi sinh vật biển tại Fukushima Daiichi, cho biết thêm rằng, việc tiến hành thí nghiệm cũng có mục đích giải tỏa lo lắng của ngư dân địa phương về việc hải sản trong khu vực sẽ khó tiêu thụ do quá trình xả nước thải.
Trong diễn biến có liên quan, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) và Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) cùng ngày cũng cho biết, đã theo dõi mức độ phóng xạ xung quanh Singapore thông qua mạng lưới 40 trạm và cơ chế lấy mẫu thường xuyên.
Hai cơ quan này cho biết, tới nay không có chất gây ô nhiễm phóng xạ nào được phát hiện trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ năm 2013. Trong khi đó, mức độ phóng xạ xung quanh Đảo quốc Sư tử vẫn nằm trong mức nền tự nhiên.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị