Nhập, tách đơn vị hành chính: dấu ấn địa danh văn hóa đi về đâu?
Nhập, tách đơn vị hành chính: dấu ấn địa danh văn hóa đi về đâu?
Để có thêm một cái nhìn địa văn hóa về câu chuyện “khắc nhập – khắc xuất” hành chính và những biến động kéo theo nó, Người Đô Thị đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, về vấn đề này.
Nhân dấu mốc 15 năm mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội (1.8.2008-1.8.2023), chúng ta đã có dịp nhìn nhận và đánh giá lại quá trình thay hình đổi dạng của phía Tây Hà Nội, nơi đã từng là một địa văn hóa nổi danh trong lịch sử – xứ Đoài. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, có cả những đánh đổi hàng nghìn năm lấy cái trước mắt.
Hay gần đây, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng, hơn nữa, lại là một tên gọi lâu đời đã gắn liền với ký ức người Hà Nội đương thời. Do đó, đã có những quan ngại và phản đối tới từ cả giới chuyên gia lẫn đại chúng.
Để có thêm một cái nhìn địa văn hóa về câu chuyện “khắc nhập – khắc xuất” hành chính và những biến động kéo theo nó, Người Đô Thị đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, về vấn đề này.
– Thưa ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, theo ông liệu sự thay đổi mở rộng địa chính có mối liên hệ nào tới khía cạnh văn hóa hay không?
+ PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa: Giữa một đơn vị hành chính và một vùng văn hóa có quan hệ biện chứng. Nếu đấy là hai đường tròn đồng tâm thì lý tưởng nhất cho sự phát triển. Nhưng nếu là hai đường tròn lệch tâm, thậm chí không giao nhau thì sẽ tạo ra nhiều khó khăn, cản trở.
Ở Việt Nam xưa, dù đường sá đi lại khó khăn, hoặc do khả năng quản trị, nên các đơn vị hành chính mặc nhiên hình thành trên một không gian địa lý hay nơi cư trú của một tộc người chủ thể.
Dần dà, theo thời gian lịch sử, chính tại nơi ấy phát triển một địa văn hóa riêng.
Năm 1840, dựa trên cơ sở địa văn hóa ấy, vua Minh Mạng đã chia thành các tỉnh. Thậm chí, kinh thành Thăng Long, cũng bị đổi thành tỉnh Hà Nội, khiến nữ sĩ Hồ Xuân Hương phải thốt lên đau đớn: Kinh thành ngày ấy tỉnh bây giờ! Nhưng đó là lý do chính trị. Sự hợp lý của các tiêu chí địa văn hóa này của Minh Mạng được người Pháp giữ nguyên đến năm 1945, trừ việc Hà Nội trở lại thành thủ đô của cả xứ Đông Dương.
Đến thời chúng ta, do sự phát triển của giao thông, đường sá như ngắn lại, khả năng quản trị hành chính cũng dường như trong tầm tay, hoặc vì những lý do nào khác nữa, nên xuất hiện tư tưởng nhập tỉnh.
– Câu chuyện sáp nhập hay chia tách quận – huyện hay tỉnh, có lẽ gần giống như thần chú “khắc nhập – khắc xuất” trong truyện Cây tre trăm đốt: những thay đổi về địa giới lẫn tên gọi, ví dụ như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, trước đây, vô hình trung có gây ra sự đứt gãy về lịch sử văn hóa?
+ Trong hoàn cảnh đó, Hà Nội, dẫu là thủ đô của cả nước, cũng không tránh khỏi số phận bị/được mở rộng, sáp nhập. Và cùng với nó là vùng văn hóa Sơn Tây – xứ Đoài. Đầu tiên là tỉnh Sơn Tây sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Sau đó Hà Tây lại sáp nhập với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình. Rồi sự “khắc xuất” không thể nào tránh khỏi. Trong khi đó Hà Nội mở rộng đầu tiên bằng việc “nhập” thêm một số huyện của Hà Tây (lúc này đã tách khỏi Hòa Bình), Vĩnh Phú… Sau một số lần mở ra thu về thì đến gần đây nhất Hà Nội sáp nhập với toàn bộ Hà Tây, thêm cả một số huyện của Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Có thể nói, việc mở rộng/sáp nhập nói trên của Hà Nội chủ yếu xuất phát từ nhu cầu địa lý thuần túy (và không loại trừ kiểu tư duy máy móc rằng Thủ đô là đầu não cả nước phải to nhất nhì thì mới xứng đáng). Hơn nữa, thời bao cấp có tư duy tự cấp tự túc, nên Hà Nội cũng phải có vùng nông nghiệp, chăn nuôi để cung cấp một cách chủ động lương thực, thực phẩm cho thành phố. Đáng lẽ phải phát triển những ưu thế của đô thị trung tâm là khoa học, công nghệ, thương mại… để thu hút các tỉnh lân cận trao đổi hàng hóa. Sáp nhập phải đặt tiêu chí tương hợp địa văn hóa lên hàng đầu, vừa làm phong phú cho văn hóa Thủ đô, vừa không làm mất đi đặc sắc văn hóa của các địa phương bị/được sáp nhập.
Tôi nhớ khi Sơn Tây – xứ Đoài nhập về Hà Nội, thì câu lạc bộ văn nghệ Xứ Đoài ở Hà Nội giải thể. Trong buổi công bố quyết định, có ý kiến nói rằng chúng ta rất vui mừng được về với Hà Nội, nơi có nền văn hóa Thăng Long ngàn năm rực rỡ. Từ đây chúng ta tự hào được là người Hà Nội. Tôi phát biểu không đồng ý với ý kiến trên.
Sơn Tây – xứ Đoài vốn là một nền văn hóa cổ của dân tộc với những truyền thuyết từ thời dựng nước, với núi thiêng Ba Vì… Không ai tự hào khi đem một vùng văn hóa mấy ngàn năm đặt “dưới trướng” một nền văn hóa nghìn tuổi. Đó là chưa kể sự sắp đặt hành chính này mang lại nhiều tổn thất cho vùng văn hóa xứ Đoài. Một đứt gẫy truyền thống văn hóa vùng miền và rộng hơn dân tộc tưởng khó tránh khỏi. Với các tỉnh Hà Nam Ninh, Hà Bắc, Nghĩa Bình… trước đây cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Nên chăng vẫn giữ nguyên các tỉnh mà bây giờ đã trở nên nhỏ mà xây dựng sự liên kết vùng, như vùng xứ Quảng, xứ Nghệ… vừa gìn giữ được địa văn hóa vừa đảm bảo được sự quản trị phù hợp. Có điều giữa quản lý vùng và quản lý tỉnh phải có sự phân công phân nhiệm triệt để nghiêm túc: một đằng phụ trách chiến lược, một đằng tổ chức thực hiện chiến lược đó.
– Như ông đã biết, mới đây quận Hoàn Kiếm đã được đưa vào diện sáp nhập, do không đáp ứng tiêu chí diện tích tự nhiên tối thiểu, và đã dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi, phần lớn dựa trên nhấn mạnh yếu tố bề dày lịch sử và đặc thù văn hóa của quận này. Theo ông, có một lý giải văn hóa nào sâu xa hơn không?
+ Điểm qua những thành công và không thành công trong chuyện “khắc nhập, khắc xuất” thì có thể rút ra một số điều như sau: Nếu sáp nhập dựa vào tiêu chí văn hóa, tức căn cứ trên cơ sở địa văn hóa, văn hóa vùng thì mang lại kết quả tốt đẹp. Ngược lại chỉ dựa vào tiêu chí địa lý, nhằm mở rộng đơn vị hành chính, thì sẽ gây bất ổn xã hội và dẫn đến “khắc xuất”. Thậm chí có trrường hợp cùng chung một vùng văn hóa nhưng khi sáp nhập tỉnh sau đó lại phải tách như trường hợp Nghệ Tĩnh (gồm Nghệ An – Hà Tĩnh). Điều này cho thấy rất cần phải thận trọng.
Bởi vậy, nếu mở rộng/sáp nhập quận Hoàn Kiếm chỉ vì “không đáp ứng được diện tích tự nhiên tối thiểu” thì đây là quyết định địa lý thuần túy và hành chính máy móc. Sao lại nhất quyết là diện tích các quận phải bằng nhau? Sao không có ngoại lệ? Quận Hoàn Kiếm ngoài lý do bao chứa nhiều di tích và ký ức văn hóa lịch sử, như các ý kiến của các bậc thức giả đã đưa ra, còn là cái lõi của thành phố Hà Nội.
Một thành phố có thể có hơn một trung tâm, nhưng lõi thì chỉ có một. Lõi chứa đựng lịch sử, văn hóa, lối sống, nếp sinh hoạt. Nhắc đến Hà Nội là người ta nhắc đến quận Hoàn Kiếm. Bởi vậy, không ai mở rộng lõi cả.
– Vậy như ở trường hợp quận Hoàn Kiếm, nên có một hướng giải quyết nào hài hòa giữa đảm bảo diện tích địa lý, sắp xếp hành chính và bảo lưu ký ức văn hóa, thưa ông?
+ Nếu cứ nhất quyết phải “gọt chân cho vừa giày”, tức đảm bảo sự hài hòa giữa sắp xếp hành chính và bảo lưu di sản cũng như ký ức lịch sử văn hóa, thì tôi nghĩ ở quận Hoàn Kiếm không nên xây thêm chung cư, nhà tập thể, các cơ quan hành chính có thể chuyển đi chỗ khác, chỉ giữ lại các cơ sở văn hóa như Nhà hát Lớn, Cung thiếu nhi…
Bên cạnh những tiêu chí cơ học như tự nhiên, địa lý, diện tích, dân số, thì văn hóa cũng cần phải được coi là một tiêu chí không những ngang hàng, mà còn tiên quyết.
Sắp xếp huyện, xã phải đồng thời với công tác quy hoạch
Theo rà soát của các địa phương, giai đoạn 2023-2025 có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã của 58 tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp.
Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất cả nước.
Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.
TP.HCM có sáu đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp trong giai đoạn này.
Phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến Toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 diễn ra ngày 31.7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn này được tiến hành khẩn trương hơn, kỹ hơn, nhanh hơn.
Lần này việc sắp xếp đô thị còn có thể nhập một phần hoặc toàn bộ đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị, vì vậy phải được làm đồng thời với công tác quy hoạch.
Chu Thanh Vân/TTXVN/Vietnam+
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị