“Nhập nhèm” căn hộ thông minh

“Nhập nhèm” căn hộ thông minh

MTĐT –  Thứ hai, 15/11/2021 09:29 (GMT+7)

Việc chưa có quy định cụ thể nên danh xưng “smarthome” – căn hộ thông minh đang bị nhiều chủ đầu tư lợi dụng để đẩy tầm căn hộ.

Dự án Green Pearl Bắc Ninh được quảng bá căn hộ thông minh
Dự án Green Pearl Bắc Ninh được quảng bá căn hộ thông minh

Chưa có tiêu chuẩn cho căn hộ thông minh

Đơn cử như mới đây, một dự án chung cư tầm trung tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) chào bán ra thị trường căn hộ thông minh với các thiết bị tự động được tích hợp cùng các thiết bị nội thất. Dự án được quảng bá là căn hộ smarthome tầm trung đầu tiên trên thị trường. Ban đầu dự án có giá 25 triệu đồng/m2, sau khi gắn mác căn hộ thông minh, đồng loạt giao dịch mức trên 30 triệu đồng/m2.

Hay dự án Green Pearl được mở bán đầu năm 2019 tại Bắc Ninh cũng được môi giới quảng cáo căn hộ thông minh. Ngay lập tức dự án thu hút đông đảo khách hàng.

Trên thực tế, hiện nay thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dự án “mượn” danh xưng căn hộ thông minh để quảng cáo sản phẩm, đánh vào thị hiếu khách hàng nhằm đẩy giá căn hộ.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chỉ rõ: Căn hộ thông minh là một khái niệm mới còn nhiều cách hiểu khác nhau và phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Hiện nay việc xây dựng, kinh doanh căn hộ chung cư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, chưa có một luật nào quy định về khái niệm nhà ở thông minh hay căn hộ thông minh cũng như không hình thành cơ chế pháp lý riêng, đặc thù về loại căn hộ này. Căn hộ thông minh chỉ là một cách hiểu, một cách quảng cáo về chất lượng, sự tiện dụng của căn hộ đối với người sử dụng.

“Khi pháp luật chưa quy định, doanh nghiệp bất động sản đã ồ ạt quảng cáo căn hộ thông minh sẽ có nhiều hậu quả đi kèm. Hậu quả nhãn tiền là vấn đề quản lý thị trường nhà ở. Để tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp nào cũng gắn mác “thông minh” cho sản phẩm của mình sẽ khiến mặt bằng giá nhà bị đẩy lên cao” – Luật sư Cường cho biết.

Tìm cơ chế quản lý

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Trong những tình huống cụ thể thì việc quảng cáo căn hộ thông minh có thể là một hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa các sản phẩm BĐS nếu như chúng được đặt cạnh nhau. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải có những khuyến cáo, thậm chí chấn chỉnh đối với các hoạt động quảng cáo có thể dẫn đến hiểu lầm đối với khách hàng.

 Dự án căn hộ thông minh phải lên ý tưởng thiết kế ban đầu rồi bắt đầu xây dựng, chứ không thể áp dụng khi dự án đã hoàn thiện.
Dự án căn hộ thông minh phải lên ý tưởng thiết kế ban đầu rồi bắt đầu xây dựng, chứ không thể áp dụng khi dự án đã hoàn thiện.

Đồng thời, các cơ quan cần đánh giá diễn biến của thị trường BĐS, tâm lý của khách hàng để đưa ra những giải pháp quản lý phù hợp, trong đó có thể bao gồm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định điều kiện, tiêu chuẩn một căn hộ được xác định là thông minh.

Trong trường hợp diễn biến của thị trường BĐS thể hiện loại hình căn hộ thông minh trở thành một phân khúc mới của căn hộ chung cư, thì Nhà nước cũng cần tính toán đến việc thừa nhận khái niệm này và đưa ra các tiêu chí để xác định nội hàm của khái niệm.

Ngoài ra, nên xây dựng cơ chế quản lý với căn hộ thông minh cũng như các quy định, quy chuẩn về xây dựng, kiến trúc, thiết kế cho phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng với nhu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh cùng phát triển thị trường bất động sản.

Bạn cũng có thể thích