Nhận lương hưu qua tài khoản: Tiện ích sau tiếng “tinh, tinh…”

Người dân hưởng lợi ích tối đa

Ghi nhận tại các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày đầu tháng 6, chúng tôi chứng kiến sự vào cuộc đồng bộ của cán bộ BHXH, lực lượng chức năng tại địa phương… trong việc tuyên tuyền, vận động người dân đăng ký hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt kết hợp với rà soát, xác minh, đồng bộ dữ liệu thông tin người hưởng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhận lương hưu qua tài khoản: Tiện ích sau tiếng “tinh, tinh…”
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân kê khai, đăng ký hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH bằng phương thức không dùng tiền mặt. Ảnh: L.Thắm

Tại đền Võng Thị (phường Bưởi, quận Tây Hồ), ông Trần Văn Lai có mặt từ đầu giờ chiều ngày 7/6 để nhận lương hưu. Đã 21 năm nhận tiền lương hưu tại điểm chi trả của BHXH, đây là tháng cuối cùng ông nhận lương bằng tiền mặt. Ông Lai tâm sự, với những người già, việc nhận lương hưu bằng tiền mặt có niềm vui riêng bởi trong thời gian chờ lĩnh tiền, ông được gặp gỡ những người bạn, cùng nhau trò chuyện về cuộc sống. Tuy nhiên, khi có chính sách của Thành phố về việc thanh toán lương hưu qua tài khoản ngân hàng ông hoàn toàn ủng hộ.

“Người già ai cũng thích được nhận tiền mặt, cầm tiền trực tiếp trên tay nhưng khi sức khỏe không cho phép thì việc nhận lương hưu qua tài khoản tiện lợi hơn. Nếu mình không đi rút được có thể chuyển sang tài khoản cho con cháu và nhờ rút hộ. Vì vậy, khi được cán bộ tới nhà tuyên truyền tôi đồng ý ngay”, ông Lai cho hay.

Còn tại quận Hai Bà Trưng vào những ngày cuối tháng 5, đông đảo người thụ hưởng có mặt tại nhà văn hóa, các điểm chi trả BHXH để làm thủ tục chuyển đổi hình thức nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Ông Nguyễn Thế Hinh (tổ 4, phường Đồng Tâm) cho biết, ông hưởng chế độ hưu trí từ năm 2009. Trước đây, mỗi lần đến điểm chi trả Ủy ban nhân dân (UBND) phường để lĩnh lương hưu, ông phải mất cả buổi sáng vì phải xếp hàng đợi tới lượt, chưa kể có hôm thời tiết bất thường. Nhưng nay, kể cả đang ở nhà, ông cũng nhận được lương bởi Thành phố đã áp dụng hình thức chi trả lương hưu qua tài khoản, nhanh, tiện lợi.

Tương tự, tại quận Hà Đông, các điểm thu thập và đối chiếu thông tin người hưởng trợ cấp, BHXH trên địa bàn quận mở cửa cả ngày thường lẫn ngày nghỉ. Một số điểm tại phường Nguyễn Trãi còn làm việc đến tối muộn để hỗ trợ những người không thể đến thực hiện thủ tục vào ban ngày.

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông Nguyễn Thúy Hằng cho biết, nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, phường huy động các lực lượng như: Công an, Cảnh sát, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các Tổ trưởng tổ dân phố… vào cuộc. Trước khi triển khai đợt cao điểm, địa bàn phường có 2.745 trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó có 1.547 người vẫn nhận tiền mặt. Tuy nhiên, hiện trong số 1.547 người đang nhận tiền mặt đã có 1.445 người mở tài khoản mới hoặc ủy quyền nhận tiền qua tài khoản (đạt tỷ lệ 93,4%). Những trường hợp còn lại, UBND phường tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận chuyển hình thức nhận lương hưu qua tài khoản.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bám sát địa bàn

Thực hiện Chỉ thị, kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai thực hiện. Qua thực tế, việc chi chế độ an sinh qua tài khoản mang đến nhiều tiện ích. Rõ nhất là người thụ hưởng không phải chờ đợi, xếp hàng chờ lĩnh tiền và số tiền nhận về bảo đảm an toàn, chính xác. Với những trường hợp ít phải sử dụng đến khoản tiền nhận về hằng tháng, họ có thể để tiền trong tài khoản như một khoản tiết kiệm có lãi. Về phía các cơ quan chức năng cũng giảm được nhiều chi phí, nhân công so với hình thức chi trả lương truyền thống.

Tại quận Tây Hồ, hiện trên địa bàn quận có 19.436 người được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Trước đây, quận có 10.632 người lĩnh tiền qua thẻ ATM (tỷ lệ 54%), 8.804 người lĩnh tiền mặt (tỷ lệ 46%). Sau khi triển khai, tính đến ngày 6/6/2024, có 18.579 người lĩnh qua thẻ ATM (tỷ lệ 95,6 %), 855 người lĩnh tiền mặt (tỷ lệ 4,4%).

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng”…, UBND quận đã xây dựng và triển khai đến tất cả các đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn.

Có được thành quả trên là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng vượt qua áp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của các lực lượng chức năng. Theo đó, quận Tây Hồ đã tập trung tuyên truyền tới toàn bộ cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt chú trọng tuyên truyền để người hưởng lương, trợ cấp BHXH nắm được chủ trương, phương thức triển khai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. UBND quận đã phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các nội dung của kế hoạch theo phương châm: Đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và phù hợp với nhóm người thụ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng với các quy định hiện hành.

Theo Phó Giám đốc BHXH quận Hai Bà Trưng Bùi Thị Thanh Hương, quận đang thực hiện chi trả cho hơn 49.000 người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, trong đó có hơn 40% người dân đang sử dụng hình thức chi trả bằng tiền mặt. Trong đợt cao điểm tháng 5/2024, quận đặt mục tiêu vận động hơn 20.200 người thay đổi hình thức nhận chế độ BHXH hằng tháng. Tuy nhiên, chỉ sau ngày đầu tiên triển khai đã có gần 5.000 người hoàn thành thủ tục.

Phó Giám đốc BHXH quận Hai Bà Trưng cho biết thêm, để chương trình được lan tỏa đến từng người dân, tổ trưởng các tổ dân phố địa bàn đã xây dựng các trang mạng xã hội zalo, facebook nhằm giúp người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, chính xác nhất. Đối với những người dân gặp khó khăn trong di chuyển, sử dụng điện thoại thông minh… lực lượng Công an, BHXH, tổ trưởng các tổ dân phố cũng áp dụng biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bám sát địa bàn, trực tiếp vận động người dân hưởng ứng kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Lê Văn Long, phát huy tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, BHXH Hà Nội phối hợp cùng các lực lượng chức năng triển khai đợt cao điểm từ ngày 20-30/5/2024, huy động các lực lượng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục trong, ngoài giờ hành chính (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật).

Qua công tác tuyên truyền, vận động người hưởng đã hiểu rõ hơn về việc chi trả không dùng tiền mặt là khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, đảm bảo chi trả đúng người hưởng, nhanh chóng và kịp thời.

L.Thắm – P.Ngân

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích