Nhận diện thao tác thừa, bất hợp lý trong sản xuất kinh doanh với công cụ nghiên cứu thời gian và thao tác
Nghiên cứu thời gian và thao tác là môn khoa học quản lý giúp nhận diện các thao tác thừa, bất hợp lý trong việc tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hành cải tiến quá trình và giảm chi phí sản xuất vận hành, chuẩn hóa thao tác cho một công đoạn hay quá trình nào đó.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa biết chính xác thời gian chuẩn cho từng công đoạn sản xuất của mình để từ đó có thể kiểm soát năng suất và đào tạo công nhân đáp ứng được thời gian chuẩn. Việc sử dụng phương pháp phân tích thao tác và dùng đồng hồ bấm giờ cùng các công thức có liên quan để tính toán ra thời gian chuẩn cho từng công đoạn giúp cho quản lý cấp trung gian có thể kiểm soát tốt năng suất và tính toán được thời gian chuẩn cho mỗi công việc đã xác định, qua đó có đầy đủ thông tin để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng yêu cầu đơn hàng của khách hàng. Thực tế áp dụng công cụ nghiên cứu thời gian và thao tác tại doanh nghiệp điểm đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Các giải pháp tập trung là vấn đề về quản lý, sắp xếp nhân sự, bố trí mặt bằng, bố trí máy móc thiết bị hợp lý, ban hành các quy định mới,… Các giải pháp không có chi phí đầu tư và có thể thu lợi nhuận được ngay.
Ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, là tiền đề phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp thông qua hoạt động nhóm cải tiến – từ các thành viên trong doanh nghiệp đã huy động được các nguồn lực trong doanh nghiệp để thực hiện cải tiến. Trong quá trình triển khai áp dụng công cụ nghiên cứu thời gian và thao tác, doanh nghiệp có thể thấy lợi ích của công cụ đối với hiện trạng doanh nghiệp do vậy chính ban lãnh đạo doanh nghiệp thường đứng ra chủ trì triển khai các đề tài cải tiến.
Trong khi công nhân viên trực tiếp sản xuất thì cũng thấy hiệu quả dự án khi có thể giúp họ có môi trường làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn – cùng một thời gian làm việc nhưng số sản phẩm nhiều hơn và lãng phí ít hơn. Điều này cũng phù hợp với tâm lý không những người lao động mà còn của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong quá trình triển khai phải tạm dừng để tập trung giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, hoặc có doanh nghiệp phải thay đổi nhân sự trong quá trình triển khai (kể cả lãnh đạo cấp cao và cấp trung) nên thời gian triển khai tại doanh nghiệp kéo dài hơn dự định. Đa số doanh nghiệp tham gia chưa quan tâm nhiều đến việc thu thập thông tin, dữ liệu sản xuất để nhận diện các lãng phí, chưa quan tâm đến lãng phí về nhân công phần nào do văn hóa doanh nghiệp cho nên nhóm chuyên gia cũng gặp nhiều trở ngại và mất thời gian trong việc thu thập thông tin trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp để có thể phản ánh đúng tình hình, hiện trạng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nguồn lực tại doanh nghiệp có hạn chế, do vậy, các vấn đề/tồn tại mà nhóm chuyên gia phân tích và trình bày tại doanh nghiệp thì chưa được giải quyết triệt để trong thời gian triển khai nhiệm vụ. Các nhóm cải tiến cần thời gian làm quen và tiếp cận, sắp xếp thời gian xử lý công việc để tham gia, do vậy, các vấn đề cấp thiết thì mới được chọn để giải quyết trong thời gian triển khai mô hình điểm, còn các đề tài khác sẽ được lưu ý trong quá trình triển khai nhân rộng.
Hà My