Nhận diện, phê phán các biểu hiện “lệch lạc” “lệch chuẩn”
Nhận diện, phê phán các biểu hiện “lệch lạc” “lệch chuẩn”
Cảnh giác và đấu tranh với các biểu hiện “lệch lạc” “lệch chuẩn” trong xã hội đòi hỏi mỗi người chúng ta, trước hết là các cán bộ Đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng và niễm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng
Trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc Việt Nam chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải thường xuyên đối phó với những luồng tư tưởng trái chiều; sai sự thật; những hành vi vi phạm pháp luật, những lối sống ngược lại với truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đặc biệt từ khi internet được sử dụng tại Việt Nam, bên cạnh những lợi ích to lớn do internet mang lại kèm theo những thông tin xấu độc ngập tràn không gian mạng.
Những hiện tượng “lệch lạc”, “ lệch chuẩn” đang hàng ngày len lỏi trong xã hội, xâm nhập vào một bộ phân dân cư đã tác động xấu đến tâm lý và cuộc sống của cộng đồng, ảnh hưởng đến công cuộc đổi mới của đất nước ta; do vậy cần phải nhận diện, phê phán và tìm biện pháp hạn chế đẩy lùi.
1. Khái niệm:
“Lệch lạc” là những quan điểm luận điệu sai trái, bóp méo sự thật đi ngược lại thực tiễn và chân lý.
Đối tượng truyền bá sự “lệch lạc” là các thế lực thù địch, phản động, chống phá cách mạng ở nước ngoài, đồng thời lôi kéo những kẻ bất mãn, tiêu cực trong nước cùng tuyên truyền tạo nên những dư luận trái chiều đi ngược lại đường lối lãnh đạo của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
“Lệch chuẩn” là những hành vi; từ phát ngôn cho đến cách hành xử vi phạm các chuẩn mực xã hội, trái với thuần phong mỹ tục ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của xã hội và truyền thống văn hóa dân tộc.
Đối tượng “lệch chuẩn” là những cá nhân (phần lớn là lớp trẻ) có lối sống ích kỉ, buông thả, tự đề cao cá nhân…Những đối tượng này, “lệch chuẩn” từ hình thức đến nội dung, từ suy nghĩ đến hành động (Xăm trổ, ăn nói nhố nhăng, thô tục…)
Những biểu hiện “ lệch lạc” “ lệch chuẩn” tuy có nội hàm khác nhau nhưng có điểm chung là chúng đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN của chúng ta. Một đặc điểm nữa là các biểu hiện này diễn ra thường xuyên liên tục ngày càng bài bản, tinh vi. Chúng sử dụng triệt để mạng xã hội (facebook, zalo, youtube, tiktok…) để đưa những thông tin xấu độc tạo dư luận xã hội bất lợi lôi kéo một bộ phận trực tiếp hoặc gián tiếp chống phá cách mạng.
2. Nhận diện, phản bác các biểu hiện “lệch lạc””lệch chuẩn”
*Về những biểu hiện “lệch lạc”
Thứ nhất: Phủ nhận, hạ thấp vai trò của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các thể lực phản động đang tìm mọi “lý lẽ” đề cao học thuyết của giai cấp tư sản, hạ thấp và phủ nhận Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, chúng cho rằng chủ nghĩa Mác- Lê Nin đã lỗi thời, giai cấp công nhân không còn là động lực phát triển. Chúng còn cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là dập khuôn của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin do vậy cũng không còn phù hợp.
Thực tế đã chứng tỏ Chủ nghĩa Mác- Lê Nin là một hệ thống lý luận khoa học đã giải quyết những vấn đề cấp bách do thời đại đặt ra. Cuộc cách mạng tháng 10 Nga do giai cấp vô sản thực hiện thành công và đặc biệt cách mạng tháng 8/1945 ở Việt Nam do Đảng Cộng Sản lãnh đạo đã chứng minh tính đúng đắn của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Hơn thế nữa làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh “ Cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc” và “ lấy sức ta mà giải phóng cho ta” (1).
Trải qua 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam Đảng ta vẫn “Kiên định chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động” (2).
Thứ hai: Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi “ Đa Nguyên” “ Đa Đảng”
Mặc dù luận điệu này không mới, xong những thế lực thù địch, phản động vẫn ra rả nhắc đi, nhắc lại nhiều lần mỗi khi có cơ hội. Chúng cho rằng không“ Đa Đảng” thì không có dân chủ (?)
Thực chất dân chủ không gắn liền với “Đa Nguyên” “ Đa Đảng” mà như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Không phải có nhiều Đảng thì dân chủ hơn…Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có ấm no, hạnh phúc không, đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không” (3).
Đảng ta từ khi thành lập đã lấy mục tiêu “Độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Từ khi có Đảng, đất nước ta giành được độc lập, thống nhất. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Việt Nam từ một nước nghèo nay đã có nền kinh tế đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 33/180 nước trên thế giới. Quốc hội do dân trực tiếp bầu ra là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước (tỷ lệ người dân đi bầu cử QH khóa 15 trên 99% – con số cực ấn tượng)
Nhìn lại một số nước vẫn mệnh danh là dân chủ (Anh, Pháp Mỹ…) Song hệ thống bầu cử thiếu công bằng và minh bạch dẫn đến quyền lực chỉ nằm trong tay 1- 2 Đảng lớn đại diện cho giai cấp tư sản, cần nói thêm là tỷ lệ cử tri đi bầu tại các nước này thường không cao (Ví dụ: Bầu tổng thống Mỹ chỉ có 50- 60% cử tri đi bầu, trong khi Tổng thống có quyền phủ quyết hoặc giải tán Quốc hội – Vậy dân chủ ở đâu?). Ở các nước tư bản phần lớn tài sản đất nước nằm trong tay số ít nhà tư bản (Ví dụ: Ở Mỹ: 75% của cải nằm trong tay 1% dân số).
Thứ ba: Xuyên tạc, chống phá cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực của Đảng và Nhà nước.
Luận điệu của các thế lực thù địch là: Tham nhũng, tiêu cực là sản phẩm của chế độ (chỉ duy nhất một Đảng lãnh đạo); Là sự “đấu đá nội bộ”… thậm chí chúng còn sử dụng không gian mạng để vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hòng tạo sự hoài nghi và dư luận xấu trong xã hội.
Thực chất ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Mọi việc đều “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” do vậy tham nhũng tiêu cực không thể coi là sản phẩm của chế độ, lại càng không thể xem “Đa Nguyên” “Đa Đảng” là yếu tố để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế nhiều nước có chế độ “Đa Đảng” vẫn tồn tại tham nhũng, thậm chí tệ hại đến mức người dân phải đứng lên lật đổ chính quyền (Ví dụ: Phong trào “ Mùa xuân Ả rập” tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi năm 2011-2012 ) vv…
Ngoài ra việc xử lý kỷ luật hoặc phạt tù nhiều cán bộ Đảng viên trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý do vướng tham nhũng, tiêu cực là bởi sự suy thoái đạo đức, “ Tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” của các cá nhân đó. Quá trình điều tra, xét xử đều theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó những cán bộ Đảng viên được bổ nhiệm, đề bạt đều phải qua quy trình 5 bước lựa chọn chặt chẽ. Do vậy không có chuyện “ Đấu đá nội bộ” như tuyên truyền của kẻ địch.
Thứ tư: Chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, dân trí còn thấp, các thế lực thù địch bằng đủ mọi hình thức tuyên truyền kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng vu cáo trắng trợn Đảng – Nhà nước phân biệt đối xử với dân tộc thiểu số, gây mâu thuẫn giữa người kinh với người dân tộc. Kêu gọi đồng bào dân tộc thiểu số ly khai, cát cứ, thành lập nhà nước “Degar” mà đỉnh điểm là vụ tụ tập “xưng vua “ở Mường Nhé (Điện Biên) tháng 5/2021, hay gần đây là vụ tấn công phá hoại trụ sở UBND 2 xã Eaktur và Eatiêu (Đăklak) và giết hạn 9 người dân tại đây.
Thực tế, về công tác dân tộc, chủ trương của Đảng ta là “ Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Mặc dù còn khó khăn, song Đảng ta và nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.
Kết quả đạt được rất đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 5% – 6% (vượt bình quân cả nước). 100% huyện, 98.5% xã có đường ô tô về tận trung tâm. 100% xã, trên 97% thôn bản có điện lưới quốc gia, 100% có trường học, trạm y tế, gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số được dùng nước sạch, trên 60% đã có internet…
Trong giai đoạn năm 2021-2025 “ Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi” được Quốc hội phê duyệt với 137.000 tỷ. Đặc biệt số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số khóa 15 là 89/499 (đạt xấp xỉ mục tiêu đặt ra). Hầu hết các dân tộc có trên 2000 người đều có thành viên trong Quốc hội (4).
Rõ ràng với những chính sách, việc làm và kết quả đạt được trong thời gian qua đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ địch, chúng không thể chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ năm: Xuyên tạc vu khống chính sách tôn giáo
Lợi dụng việc nhà nước ta đình chỉ các tôn giáo hoạt động trái phép (Hội Phục Hưng, Hội thánh đức chúa trời mẹ….) và xử lý các cá nhân lợi dụng tôn giáo để có hành vi vi phạm pháp luật; các thế lực chống đối và một số tổ chức quốc tế không thân thiện đã rêu rao, vu khống “ Việt Nam không có tự do tôn giáo” hay “ Việt Nam vi phạm nhân quyền”.
Cũng như bất cứ quốc gia nào khác, mọi tôn giáo hoạt động phải theo pháp luật của quốc gia đó (Công ước quốc tế về quyền dân sự tháng 12/1966). Suy ra các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động phải được nhà nước công nhận và hoạt động phải tuân theo pháp luật. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kì đều khẳng định “ Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng (TDTN)…Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước bảo hộ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng hoặc lợi dụng để làm trái pháp luật”.
Thực tế đến năm 2021 cả nước đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo gồm 27 triệu tín đồ được phép hoạt động. Đã có trên 60 cơ sở đào tạo tôn giáo (17 trường Đại học). Có 15 tờ báo, tạp chí chuyên về tôn giáo đang được phép ấn hành. Nhà nước cũng luôn tạo điều kiện, hỗ trợ các hội nghị, hội thảo về tôn giáo ở trong nước và ngoài nước. Các tôn giáo lớn đều có đại biểu trong Quốc hội.
Dẫn ra những luận chứng trên đã đủ để bác bỏ luận điệu xuyên tạc, vu khống về chính sách tôn giáo của kẻ địch.
*Về những biểu hiện “lệch chuẩn”
Lâu nay chúng ta vẫn bắt gặp những hiện tượng “lệch chuẩn” ngoài xã hội và không gian mạng gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận dân cư chủ yếu là lớp trẻ đó là:
Thứ nhất: Cổ súy cho lối sống cá nhân, ích kỷ, trái thuần phong, mỹ tục, vi phạm pháp luật. Các biểu hiện này rất đa dạng từ hình dáng bên ngoài (xăm trổ, ăn mặc lố lăng, phản cảm…) cho đến suy nghĩ và hành động (ăn nói nhố nhăng, thô tục, tạo các video clip phản cảm thể hiện hành vi coi thường pháp luật để phát tán lên mạng…). Một số người trong đó có cả ca sĩ, diễn viên, người mẫu, tự cho mình là người nổi tiếng để sử dụng mạng xã hội vu cáo, sĩ nhục người khác thậm chí bôi nhọ chính quyền đến mức phải xử lý hình sự.
Thứ hai: Tham gia các nhóm đua xe trái phép hoặc các nhóm thanh thiếu niên sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp gây mất trật tự và an toàn xã hội. Tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Đáng nói là một bộ phận lớp trẻ có xu hướng cổ vũ cho lối sống này. Đây chính là tác hại của việc lan truyền các game video clip bạo lực trái pháp luật ngập tràn không gian mạng.
Thứ ba: Hiện tượng thích thú, ủng hộ tôn sùng “thần tượng” một cách thái quá. Thậm chí “ thần tượng” cả những kẻ là “ giang hồ mạng” vô tài cán, chỉ giỏi bày những chiêu trò lố bịch, vi phạm chuẩn mực, đạo đức, pháp luật (ví dụ: Khá “bảnh”, Huấn “ Hoa hồng”, “ Thánh chửi” Dương Minh Tuyền vv…) Chính những người tôn sùng những kẻ “ lệch chuẩn” cũng đã tự biến mình thành kẻ “lệch chuẩn”.
3. Những biện pháp nhằm hạn chế đẩy lùi các biểu hiện “lệch lạc” “lệch chuẩn”
Thứ nhất: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân.Phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong việc định hướng dư luận xã hội, vai trò của các đoàn thể xã hội trong việc động viên nhân dân đoàn kết, đấu tranh với mọi biểu hiện “ lệch lạc” “lệch chuẩn” xảy ra trên địa bàn. Nên đưa nội dung này vào trong sinh hoạt thường kì của chi bộ và các tổ chức đoàn thể.
Thứ hai: Lấy hộ gia đình làm cơ sở cho việc giáo dục mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Trong mỗi gia đình “ Ông bà cha mẹ gương mẫu, vợ chồng hòa thuận, con cháu hiếu thảo, anh em đoàn kết” (5). Đặc biệt cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục thanh thiếu niên từ nhà trường cho đến mỗi gia đình và toàn xã hội. Mục tiêu lớp trẻ phải hướng tới “ Chân – Thiện – Mỹ”.
Thứ ba: Công tác truyền thông (Báo chí, phát thanh, truyền hình) Đẩy mạnh việc nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện “ lệch lạc” “lệch chuẩn” cùng với việc giới thiệu, biểu dương các hành động đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.
Thứ tư: Các ngành liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an) hoàn thiện các quy định cụ thể về những nguyên tắc ứng xử trong xã hội, nơi công cộng, không gian biểu diễn nghệ thuật và các chế tài xử phạt vi phạm sao cho những ai đó muốn “ a dua”, muốn “ thể hiện” không thể và không dám có những biểu hiện “ lệch chuẩn”.
Thứ năm: Cương quyết đình chỉ, xóa bỏ những trang mạng xấu độc. Tiếp tục làm việc với những tập đoàn sản xuất nước ngoài (facebook, tiktok…) để phối hợp với chúng ta ngăn chặn việc phát tán những thông tin “lệch lạc” từ nước ngoài vào Việt Nam
Thứ sáu: Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, các hoạt động du lịch, lễ hội lành mạnh đậm đà bản sắc dân tộc nhằm đẩy lùi mọi hiện tượng “lệch lạc”, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
4. Kết luận
Cảnh giác và đấu tranh với các biểu hiện “lệch lạc” “lệch chuẩn” trong xã hội đòi hỏi mỗi người chúng ta, trước hết là các cán bộ Đảng viên phải có bản lĩnh vững vàng và niễm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải biết trân quý bản sắc dân tộc. Chúng ta tin tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, chắc chắn các biểu hiện “lệch lạc” “ lệch chuẩn” sẽ ngày càng bị hạn chế và đẩy lùi.
Chú thích:
(1), (2) Những luận điểm sáng tạo của Hồ Chủ tịch và vấn đề dân tộc và thuộc địa (Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ngày 25/5/2011)
(3) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời báo Express nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 2010
(4) Báo cáo sơ kết công tác của Ủy ban Dân tộc 6T/2021
(5) trích bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp các vị đại biểu về dự đại hội Người Cao tuổi toàn quốc lần VI – 13/1/2022
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị