Nhận diện những thách thức và tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp
(Xây dựng) – Ngày 19/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Diễn đàn đã góp phần phản ánh bức tranh về thực trạng kinh tế thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, nhận diện những thách thức và cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, đồng thời tạo môi trường trao đổi, phân tích thông tin, tháo gỡ khó khăn và không gian phát triển mới cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do đó, vấn đề sức khỏe của nền kinh tế, của doanh nghiệp cần được hết sức quan tâm.
Các chuyên gia tại Diễn đàn nhận định, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại. Hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài; xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao… Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm…
Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân cho rằng, những khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang đương đầu đó là sự sụt giảm đơn hàng đặc biệt ngành dệt may, da giày, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng… ; xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu; sức mua tiêu dùng sụt giảm làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn còn có nguyên nhân từ những bất cập trong nội tại của nền kinh tế mà trước hết đó là thể chế, chính sách, các điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Bên trong bất kỳ khủng hoảng nào, những giai đoạn khó khăn nhất cũng có thể nảy sinh những ý tưởng mới và không gian phát triển mới dành cho những doanh nghiệp biết tận dụng.
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn theo quy định pháp luật và tạo ra sức mạnh tổng lượng để giúp các doanh nghiệp.
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). |
Các Viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn cũng chia sẻ thêm những xu hướng, cơ hội mới từ kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 để doanh nghiệp nắm bắt, thích ứng và phục hồi, phát triển. Từ đó, kiến nghị các nhóm giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Giải pháp đối với doanh nghiệp quan trọng nhất hiện nay là cần có những phương án khác nhau, chủ động trong bối cảnh thị trường bên ngoài đang bất ổn, đi xuống nhằm thay thế phương án bên ngoài. Cần chủ động xây dựng những kế hoạch trong xử lý về các trường hợp bất ổn, trong đó có nguồn lực, thay thế nguồn kỳ vọng như tín dụng. Hiện nay nhu cầu của doanh nghiệp đang rất cao nhưng năng lực tiếp cận vốn đang rất hạn chế, chính vì vậy chúng ta phải có các phương án…”.
Đối với dài hạn, ông Tuấn cho biết doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng áp dụng quản trị hiện đại, quản trị số hóa, có thể giúp cho doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, theo ông Tuấn, xu hướng xanh hóa là một cơ hội để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và tham gia, ngoài ra những xu hướng về chuyển đổi năng lượng, xanh hóa cần có giải pháp trong tầm trung hạn, dài hạn để có chiến lược thích ứng phù hợp.
Toàn cảnh “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”. |
Theo các Viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn, Chính phủ phải có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình khó khăn hiện nay, trong đó tập trung vào hai công cụ chính là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, có giảm thuế GTGT. Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới, cũng như cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Phát huy tối đa năng lực từng bước vượt qua mọi khó khăn, khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Nguồn: Báo xây dựng